Multimedia Đọc Báo in

Trường PTTH Nguyễn Tất Thành vươn lên từ gian khó

05:10, 10/12/2012

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng nhiều thầy, cô giáo Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drak) vẫn chưa quên những “buổi tối dạy mẫu” do Đoàn trường tổ chức nhằm giúp nhau bồi dưỡng phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy. Giáo viên đứng lớp là các thầy, cô giáo dạy giỏi, có kinh nghiệm, còn học sinh là những giáo viên mới vào nghề.

Cái khó... ló cái khôn!

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng nhiều thầy, cô giáo Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drak) vẫn chưa quên những “buổi tối dạy mẫu” do Đoàn trường tổ chức nhằm giúp nhau bồi dưỡng phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy. Giáo viên đứng lớp là các thầy, cô giáo dạy giỏi, có kinh nghiệm, còn học sinh là những giáo viên mới vào nghề. “Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 90 km và nằm ở địa phương khó khăn nhất của tỉnh nên nhà trường không có cơ hội để lựa chọn giáo viên như những trường THPT khác. Chưa kể một vài giáo viên có tâm lý “đến làm nghĩa vụ ở vùng khó” để đủ điều kiện thuyên chuyển trường khác  thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43,6% dân số toàn huyện, phần lớn dân cư là người đi làm kinh tế mới, ít quan tâm việc học tập, rèn luyện của con em mình đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học của nhà trường” thầy Phan Tấn Lý, Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại. Với xuất phát điểm thấp như vậy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định đội ngũ giáo viên là mấu chốt nâng cao chất lượng dạy – học phải đồng lòng vượt qua khó khăn bằng cách tự bồi dưỡng về mọi mặt: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức, kỹ năng sư phạm. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, Ban giám hiệu mạnh dạn đổi mới hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn,  thao giảng, hội giảng; tổ chức báo cáo, hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt thường xuyên thăm lớp dự giờ đây là những biện pháp quan trọng  giúp giáo viên tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế chứng minh nhiều giáo viên trẻ của trường đã trưởng thành từ phong trào này. Đến nay 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, yêu nghề, có tinh thần cầu tiến trong giảng dạy góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Hằng năm 100% giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó trên 72% sáng kiến được chọn dự thi cấp ngành.

Thầy và trò Trường THPT Nguyễn  Tất Thành tham quan   Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Tất Thành tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.

 Học mà chơi...

Với nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa ý thức tự học chưa cao, một bộ phận không nhỏ coi các môn xã hội là môn học phụ nên không cảm thấy hứng thú. Để khơi dậy tinh thần tự học của học sinh, cùng với chương trình chính khóa, những năm gần đây Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực, sáng tạo để các em có thêm sân chơi bổ ích. Thầy Nguyễn Khắc Kính, giáo viên môn Lịch sử, Bí thư Chi đoàn giáo viên nhà trường cho biết, đồng hành cùng học sinh vùng sâu, vùng xa  trên con đường chinh phục tri thức, Chi đoàn giáo viên đã đề xuất Ban Giám hiệu thành lập câu lạc bộ Lịch sử, câu lạc bộ Toán học (định kỳ 2 tháng sinh hoạt một lần) tạo sân chơi kiến thức giúp rèn học sinh phương pháp học tập “Học mà chơi”. Không chỉ tổ chức những buổi sinh hoạt theo chủ đề, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, hội thi, nhà trường còn tổ chức những buổi dã ngoại đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dak Lak để thành viên câu lạc bộ Lịch sử cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường của những chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại một trong những nhà tù tàn bạo nhất của thực dân Pháp  trên đất nước ta; tham quan công trình có kiến trúc độc đáo mô phỏng ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê kết hợp với nét kiến trúc hiện đại…Sau chuyến dã ngoại, các em sẽ có bài viết thu hoạch về những gì đã học được qua chuyến đi đồng thời tự trải nghiệm với kiến thức mình đã học được. Trước đó, nhà trường cũng chỉ đạo tổ bộ môn Văn học tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Văn học và cuộc sống” với sự tham gia của đông đảo học sinh. Các em rất hào hứng khi nhập vai các nhân vật trong tác phẩm văn học, hiểu đặc điểm, tính cách nhân vật, bối cảnh ra đời của tác phẩm và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Quan trọng hơn, qua đó giúp các em nâng cao khả năng nhận thức các vấn đề xã hội liên quan từ đó rèn luyện kỹ năng sống cơ bản.

Từ xuất phát điểm thấp, nhưng với sự nỗ lực vượt khó,  năng động, sáng tạo, buổi đầu chỉ có 83 học sinh (3 lớp), đến nay Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã có gần 1.300 học sinh (34 lớp). Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 25-30%; tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng khoảng 40-60%/năm, đặc biệt có những học sinh được nhận học bổng du học các nước như: Nga, Anh, Singapore, Mỹ… Nhiều năm liền, Trường được công nhận tập thể lao động tiên tiến, lao động xuất sắc, được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen, 4 năm liền xếp vị trí Nhất cụm thi đua.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc