Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục miền núi tiến kịp miền xuôi: Vẫn còn khoảng cách lớn

09:36, 22/12/2012

Hết tiết học, vừa dứt tiếng trống tan trường, các em học sinh tại điểm trường Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Eah Nơh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) ùa ra về để lại một vệt bụi dài phía sau. Cô giáo thì sắp xếp lại bàn ghế ngăn nắp, lượm những tờ giấy vụn học sinh vứt trên nền đất và không quên tháo chiếc bóng đèn compact cất vào phòng giáo viên. 

Hơn 10 năm qua, học sinh tại điểm trường thôn Eah Nơh Prông vẫn phải học trong những căn phòng tạm bợ.
Hơn 10 năm qua, học sinh tại điểm trường thôn Eah Nơh Prông vẫn phải học trong những căn phòng tạm bợ.

Gọi là phòng cho “oai” chứ thực chất là một túp lều tranh rộng khoảng 10m2, dựng bằng cây rừng, mái lợp tranh, xung quanh thưng bằng những tấm ván tạp thưa, nền đất… tài sản có giá trị trong căn phòng là chiếc tủ để dựng đồ dùng dạy học, nhưng vì đồ dùng chưa có nên các thầy, cô giáo tận dụng cất…bóng đèn, mũ bảo hiểm, túi xách, ngoài ra còn có chiếc gường ọp ẹp được ghép bằng những tấm ván thay cho bàn giáo viên. Căn phòng giáo viên vốn chật chội bỗng rộng thênh thang khi chỉ mình cô Bùi Thị Nhung giáo viên Âm nhạc ở lại điểm trường vì buổi chiều còn tiết dạy. Tỉ mẩn đưa từng mũi kim theo hình mẫu vẽ sẵn, cô Nhung cho biết là giáo viên Âm nhạc nên không dạy cố định một nơi mà được Ban giám hiệu sắp xếp mỗi điểm trường dạy cả ngày. Trong số 4 điểm trường thì thôn Ea Nơh Prông là nơi xa xôi và khó khăn nhất. Cách điểm trường chính chừng 5km nhưng do đường đi khó, lại phải qua một cây cầu gỗ bắc qua sông Krông Ana giáo viên dạy cả ngày thường mang theo cơm. Buổi trưa ngắn ngủi ấy, được nghe tâm sự, trăn trở của cô giáo về sự nghèo khó của học sinh đến trường bằng chân không, ống quần xắn gần đầu gối, cả tuần đến trường với mỗi chiếc áo sơ mi quá cỡ… Đặc biệt sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò là rào cản lớn nhất khiến việc gieo chữ càng thêm khó khăn. Quan sát một giờ học của các lớp, tôi cảm nhận bao nỗi nhọc nhằn mà các giáo viên phải đối mặt. Cô giáo cứ giảng từng câu, từng chữ một, thế nhưng nhìn thăm thẳm trong đôi mắt không biết các em đang nghĩ gì. Giá như khả năng tiếng Việt của các em tốt hơn thì sự vất vả của các giáo viên sẽ vơi đi. Cái ước mơ tưởng chừng quá đỗi đơn giản ấy của cô giáo trẻ  trở nên xa vời.

Đến bao giờ việc học của các em vùng sâu, vùng xa miền núi tiến kịp miền xuôi… còn cả một khoảng cách lớn.


Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.