Multimedia Đọc Báo in

Cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương

10:43, 28/12/2012

Mỗi người một ước mơ, một khát vọng nhưng điểm chung ở những sinh viên xuất sắc trong học tập và hoạt động phong trào năm 2012 của Trường Đại học Tây Nguyên là luôn mang bầu nhiệt huyết được cống hiến sức trẻ.

Ấp ủ ước mơ trở thành chủ trang trại chăn nuôi

Coor Toàn - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Tây Nguyên năm 2012.
Coor Toàn - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Tây Nguyên năm 2012.

Với điểm trung bình học tập đạt 3,45 (tính theo học chế tín chỉ, thang điểm cao nhất là 4), Coor Toàn – cô sinh viên năm cuối khoa Chăn nuôi Thú y vinh dự được đón nhận vòng Nguyệt quế và Giấy chứng nhận sinh viên xuất sắc năm 2012 do Hiệu trưởng trao tặng. Hoạt bát và tự tin, Coor Toàn bộc bạch: “Tốt nghiệp THPT, em được địa phương cử đi học chuyên ngành Chăn nuôi Thú y để sau này trở về công tác tại địa phương. Trong lớp có nhiều bạn học rất khá nên khi mới vào học mình cảm thấy hơi ngợp, nhưng do yêu thích ngành này nên mình quyết tâm học giỏi để trở thành cán bộ thú y về hỗ trợ bà con”. Quê Coor Toàn ở thôn Pa Lanh, xã Cà Dy, huyện Nam Giang (Quảng Nam), cuộc sống của đồng bào Cơ Tu  còn rất nghèo, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nguồn thu nhập từ chăn nuôi gia súc gia cầm rất bấp bênh do tập quán thả rông, không kiểm soát được dịch bệnh, trong khi đó cán bộ thú y rất thiếu. Mỗi khi trâu, bò bị bệnh bà con phải ra xã, ra huyện mới tìm được người về chạy chữa. Nhiều người không có điều kiện mời cán bộ thú y phải chữa bệnh cho trâu bò bằng các phương thuốc truyền thống từ thảo dược trong rừng hay các thuật “mẹo” thiếu khoa học. Mặc dù đi học xa, nhưng khi gia đình báo tin trâu, bò bị bệnh, Coor Toàn đều hướng dẫn cách chữa trị qua điện thoại. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, Coor Toàn chủ động đến UBND xã Cà Dy xin các cô chú làm công tác thú y được cùng đi tiêm chủng phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Coor Toàn chia sẻ: “Hạnh phúc nhất là được làm việc phù hợp với sở thích của mình và hơn nữa là làm việc tại chính quê hương mình, mong sao làm nhiều việc có ích”. Được đi học, có kiến thức, lại nghe các thầy cô giáo và anh chị khóa trước kể về các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao, Coor Toàn nhen nhóm ý định khi học xong trở về quê gây dựng trại chăn nuôi, làm giàu bằng chính nghề mình đã học. Với lợi thế “đất rộng người thưa" chăn nuôi trang trại là hướng đi phù hợp ở Ca Dy. Coor Toàn tâm sự: “Em nuôi ước mơ từ mô hình chăn nuôi của mình sẽ giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống. Bởi chăn nuôi gia súc, gia cầm là một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của đồng bào Cơ Tu nhưng do thiếu kiến thức và không đầu tư nên hiệu quả kinh tế thấp, lại phải sống chung với môi trường ô nhiễm từ tập quán nuôi thả rông”.

Chung tay bảo vệ môi trường

Triệu Thị Minh Tâm nhận Giấy chứng nhận sinh viên xuất sắc năm 2012.
Triệu Thị Minh Tâm nhận Giấy chứng nhận sinh viên xuất sắc năm 2012.

Ước mơ trở thành nữ cảnh sát môi trường luôn cháy bỏng trong Triệu Thị Minh Tâm, sinh viên khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường K11. Cô gái dân tộc Tày này xác định: lý tưởng và ước mơ phải được xây dựng ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, muốn đi đến đích thì phải phấn đấu, không ai trải thảm cho mình. Chính vì vậy, năm đầu tiên Tâm đã đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc trong học tập. Tâm chia sẻ: “Nhà ở gần Vườn quốc gia Yok Đôn, thường xuyên cùng bố vào rừng lấy củi, đã không ít lần thấy những cây gỗ quý vừa bị “lâm tặc” triệt hạ lấy đi phần thân để lại gốc và cành vẫn đang còn chảy nhựa. Những cánh rừng bạt ngàn, xanh tươi xưa kia chỉ vì do thiếu ý thức của con người mà giờ đây còn lại là đồi trọc… Trăn trở, xót xa khi hằng ngày cứ phải nghe đài báo đưa tin về những vụ phá rừng, khai thác trái phép lâm sản hay buôn bán động vật hoang dã ở nơi này nơi kia... Mất rừng đồng nghĩa với việc môi trường sống đang dần dần bị tàn phá, hủy hoại. Có lẽ vì vậy mà khi đã theo học ngành này em vẫn mong muốn được thành nữ cảnh sát môi trường”.  Bản thân Tâm tích cực tham gia các phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” do Đoàn trường phát động. Mới đây, Tâm tham gia Hội thi Sinh viên với biến đổi khí hậu do Đoàn khoa tổ chức và đoạt giải Nhất. Đến với Hội thi, Tâm không chỉ chia sẻ hiểu biết của mình về môi trường mà còn tuyên truyền vận động các bạn sinh viên thay đổi hành vi vì môi trường bền vững. Theo Tâm, hơn ai hết sinh viên Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường phải là những người tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. Bởi lẽ đây sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước có kiến thức, có ý thức về môi trường tự nhiên, xã hội và biết giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Tâm mong muốn Đoàn Thanh niên tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, phong trào để tạo cảm hứng cho những người trẻ tuổi cùng suy nghĩ và hành động vì môi trường.

Vững tin với nghề sư phạm

Mai Linh (thứ nhất bên phải) cùng các bạn trong đội tình nguyện đang thuyết phục chủ nhà trọ hỗ trợ thí sinh dự thi đại học.
Mai Linh (thứ nhất bên phải) cùng các bạn trong đội tình nguyện đang thuyết phục chủ nhà trọ hỗ trợ thí sinh dự thi đại học.

Trong số 20 sinh viên hoạt động phong trào xuất sắc năm 2012, Nguyễn Thị Mai Linh, Bí thư Chi đoàn Sư phạm Anh văn K09 thật tự tin bởi đây là lần thứ 3 được bước lên bục vinh danh này. Mai Linh chia sẻ: “Hoạt động Đoàn hỗ trợ rất nhiều cho học tập và ngược lại. Em ưu tiên hoàn thành việc học tập, thời gian còn lại dành cho công tác Đoàn”. Năm học thứ 2 và thứ 3 Mai Linh tham gia hầu hết các hoạt động do Đoàn trường, Đoàn khoa tổ chức, được xem là một trong những cán bộ Đoàn năng động, tiêu biểu của trường. Những ai từng tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” khó có thể quên hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn rong ruổi khắp các trục đường xung quanh trường để “săn” nhà trọ giá rẻ, miễn phí cho sĩ tử; hay một Mai Linh với vai trò là MC, ca sĩ trong các chương trình văn nghệ chào mừng năm học mới, đón các tân sinh viên nhập học… Tham gia phong trào Đoàn, Hội hay các chiến dịch hoạt động xã hội giúp Mai Linh tự tin, kinh nghiệm hơn khi đứng trên bục giảng sau này. Mai Linh tâm sự: “Thi đỗ đại học ngành Sư phạm, lúc đầu em nghĩ mình sẽ chẳng theo nghề giáo. Nhưng qua Mùa hè xanh tình nguyện, về các buôn làng với các bạn cùng trường hăng say hướng dẫn các em học sinh ôn tập hè, nhìn những em nhỏ tròn mắt háo hức lắng nghe anh chị giảng bài, một niềm vui nho nhỏ  nhen nhóm trong em”. Đến năm học thứ 3 được học về phương pháp, kỹ năng sư phạm Mai Linh nhận ra rằng nghề giáo hoàn toàn không đơn điệu như mình nghĩ, nhất là môn Anh văn. Đây là một môn học đòi hỏi sự tươi mới, năng động nên giáo viên bên cạnh kiến thức sẵn có, phải biết cách thu hút, khuyến khích các em qua cách dạy. Vì vậy, việc ăn nói lưu loát, phản ứng nhanh trong các tình huống là một lợi thế giúp Linh phát huy sở trường của mình.

41 sinh viên được vinh danh năm 2012 là những tấm gương tiêu biểu trong học tập và rèn luyện. Thành tích các em đạt được làm rạng rỡ thêm truyền thống của nhà trường sau 35 năm thành lập, đại diện tiêu biểu cho thế hệ sinh viên có ước mơ, hoài bão và luôn luôn thể hiện khát vọng cống hiến. Các em sẽ là những trí thức, chuyên gia trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển đất nước trong tương lai - Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.