Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo lừa đảo qua mạng

09:09, 29/06/2014

Cùng với sự phổ biến của internet và các trang mạng xã hội liên tục phát triển, kết nối với mọi người nhiều hơn thì đi cùng với nó, nhiều hình thức lừa đảo qua mạng cũng xuất hiện và ngày càng trở nên tinh vi.

Đang ngồi trong quán cà phê vừa mở máy tính, vừa làm việc, bỗng nhiên anh N.T.T, trú xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) nhận được tin nhắn của cô cháu gái mình tên T.K.C. trú thị trấn Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông, qua trang mạng facebook rằng: “Cậu đang ở đâu? Có thể mua cho cháu card viettel 50.000 đồng rồi nhắn tin qua cho cháu được không? Cháu đang kẹt quá, khi nào gặp cháu sẽ chuyển lại”. Nghĩ rằng cháu mình đang có việc gấp, anh T. không nề hà gì liền mua ngay một thẻ cào viettel trị giá 50.000 đồng và nhắn tin số thẻ qua cho cô cháu gái. Đợi một lúc không thấy cháu của mình gọi lại, anh T. mới gọi điện qua hỏi thăm đã nạp được thẻ cào chưa? Lúc này K.C. giật mình vì sáng giờ chưa vào facebook mà cậu lại gọi điện nói vậy. K.C. liền vào facebook thì mật mã đã bị đổi không thể đăng nhập được. Lúc này cả hai cậu cháu mới biết rằng có người đã lấy mật khẩu facebook của K.C. và tiến hành lừa đảo số thẻ điện thoại di động.

Cũng là một người bạn của K.C. nhưng khi vào facebook thấy K.C. nhắn tin nhờ mua card hộ, anh N.T.H. trú phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) lại thấy rất lạ vì những ngôn ngữ không giống với người bạn của mình khi nói chuyện hằng ngày: “A e nhờ tj dk k? Mua jum kaj kard dk k? Vjetel 50 a…” (Anh em nhờ tí được không? Mua dùm cái card được không? Viettel 50.000 đồng ạ…), anh H. cho biết: “Ngay khi thấy bạn tôi nói chuyện rất “teen” tôi liền gọi cho bạn và được biết rằng bạn đã mất mật khẩu nên may mắn là tôi không bị lừa”. Sự việc đã khiến chị K.C phải liên tục gọi điện cho người thân và bạn bè để cảnh báo, rồi phải nhờ chuyên viên IT thực hiện các thủ thuật để lấy lại mật khẩu facebook của mình: “Tôi đã tốn hơn trăm nghìn tiền điện thoại do bạn bè trên face rất nhiều. Tính ra số tiền bạn bè tôi bị lừa cũng lên đến hơn triệu đồng chỉ trong một buổi sáng”, K.C. than thở.

Trường hợp chị K.C. còn may mắn vì phát hiện kịp, thế nhưng anh V.T.H., trú xã Quảng Tiến (Cư M’gar) thì “xui” hơn. Trước đây, anh H. cũng sở hữu một tài khoản của trang mạng Yahoo Messenger, một hôm đi làm về bỗng nhận được cuộc điện thoại của cô em gái rằng: “Bố đã chuyển cho anh 1 triệu vào tài khoản mà anh đã gửi qua mạng”. Anh H. mới lật đật gọi về nhà thì được biết, cô em mình chat trên mạng thấy anh trai nhắn tin kêu là mất ví nên nhờ bố chuyển vào tài khoản của người bạn để rút tiền. Kiểm tra lại thì tài khoản YM của anh cũng vào không được, từ đó anh xóa hẳn tài khoản và không đăng nhập lần nào nữa…

Mọi người cần tỉnh táo khi đăng nhập vào các thông tin có liên quan  đến tài khoản trên các trang mạng xã hội.
Mọi người cần tỉnh táo khi đăng nhập vào các thông tin có liên quan đến tài khoản trên các trang mạng xã hội.

Theo các diễn đàn về an ninh mạng ở trên internet như Vozforums, BKAV, Tinhte, Học an toàn an ninh mạng… thì lừa đảo qua mạng là một hình thức tấn công người dùng internet dựa trên cách thức khai thác tâm lý nạn nhân do các hacker có ý đồ xấu thực hiện. Các hacker sẽ tìm cách đánh cắp tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau khiến người dùng mất quyền kiểm soát đối với tất cả các tài khoản trên mạng của mình, từ đó tiến hành lừa đảo qua mạng. Nguy hiểm hơn là một số hacker “cao tay” sẽ gửi các e-mail giả danh ngân hàng, hoặc một số Website đáng tin cậy như Google, Yahoo… Trong các e-mail lừa đảo này, chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu bạn nhấn vào một đường dẫn tới địa chỉ web chứa mã độc, từ đó để lộ số thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng trực tuyến, nguy hại hơn là lộ số pin… Chính điều này sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến người tiêu dùng. Ngoài ra còn có hình thức nhắn tin đăng ký tham gia một dịch vụ tính phí trên mạng, hoặc lừa nạp tiền vào số điện thoại của chúng…

Theo anh Huỳnh Duy Thanh, Ban Thông tin - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, để đối phó với các hình thức lừa đảo thì người sử dụng internet tuyệt đối không bao giờ gửi tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân qua email, các trang xã hội; tin nhắn hay các dịch vụ chat trong bất kỳ một trường hợp nào. Khi bị một số điện thoại hoặc email "lạ" yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, hãy liên hệ lại với các địa chỉ xác thực trên và yêu cầu xác nhận. Tuyệt đối không nhấn vào các đường dẫn lạ được gửi qua các trang xã hội, email, nhất là khi nội dung của nó có liên quan tới thông tin tài khoản. Luôn cài đặt, cập nhật trình duyệt và ứng dụng chống virus đáng tin cậy như: Kaspersky, Norton… phiên bản mới nhất do các chương trình này thường có tính năng ngăn người dùng truy cập vào các trang mạng đã được xác nhận là web “độc” hoặc không xác thực. Điều đáng lưu ý nữa là mọi người cần tỉnh táo và cẩn thận xác minh trước những vấn đề nghi vấn, đây mới là phương pháp an toàn nhất để bảo vệ cho tài sản và danh tính của bạn trên “thế giới ảo”…

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc