Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa

15:05, 25/09/2019

53 tuổi đời nhưng ông Trương Thanh Bưởi đã có gần 35 năm gắn bó với ngành Điện ảnh Đắk Lắk. Năm 1984, ông từ Quảng Nam khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp và được Công ty Chiếu bóng Đắk Lắk nhận vào làm việc ở vị trí Đội chiếu bóng số 7.

Nơi đây, ông cùng với đồng nghiệp mang văn hóa phim ảnh đến với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc tại huyện Cư M’gar. Sau nhiều năm công tác, thuyên chuyển qua nhiều vị trí, hiện nay ông đang giữ chức vụ Đội trưởng Đội chiếu bóng số 1 thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đắk Lắk.

Mỗi chuyến đi với ông là một kỷ niệm khó quên, đó chính là những dấu ấn trong nghề mà không phải ai cũng có được. Ví như buổi chiếu phim tại buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) vào năm 1987. Ngay từ sáng, đội chiếu bóng đã phải vận chuyển máy móc lên xe bò (xe dùng bò để kéo – PV) để đến được điểm chiếu cho kịp vào buổi tối.

Dù còn sớm, nhưng mọi người từ lớn đến trẻ nhỏ trong buôn đều đã tới xem đông đủ. Khi ánh đèn buổi chiếu bóng được bật lên thì muỗi và côn trùng bị thu hút, chúng bay đến vây quanh và đốt những người trong đội chiếu phim. Khi đó, ông Bưởi làm nhiệm vụ đứng quay cuộn phim trên máy chiếu, cũng là nơi phát ra ánh sáng nên càng bị muỗi “tấn công” nhiều hơn. Tuy nhiên, để việc trình chiếu phim phục vụ bà con không bị gián đoạn, ông đã bẻ một cành cây để vừa đuổi muỗi, vừa quay cuốn phim đều tay, giúp bà con có buổi xem trọn vẹn.

Ông Trương Thanh Bưởi chuẩn bị máy chiếu phục vụ người dân trong một đợt chiếu phim tại cơ sở.
Ông Trương Thanh Bưởi chuẩn bị máy chiếu phục vụ người dân trong một đợt chiếu phim tại cơ sở.

Một trong những khó khăn trong công tác chiếu phim thời đó khiến ông nhớ mãi là việc vận chuyển máy móc. Giữa huyện, xã và thôn, buôn có khoảng cách thường rất xa, nhưng lại không có xe, chỉ di chuyển bằng cách đi bộ và phải vác máy chiếu cồng kềnh, nặng đi cùng. Gặp những hôm trời mưa, đường ướt trơn, lầy lội thì khó khăn gấp bội. Thế nên, mỗi lần đi chiếu, họ luôn chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi dài ngày, trung bình từ 5 ngày đến nửa tháng. Nhưng tất cả những khó khăn đó ông và đồng nghiệp đều vượt qua, vì đi đâu họ cũng được bà con đón tiếp nồng hậu, như một khách quý của buôn, làng.

Ông Trương Thanh Bưởi đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động điện ảnh tại địa phương năm 2016 cùng nhiều Bằng khen và Giấy khen khác…

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chiếu bóng của mình, ở các buổi chiếu, ông Bưởi đều quan sát, nắm bắt các đặc điểm văn hóa ở địa phương, nhu cầu sở thích của bà con, sau đó ghi chép lại để lần sau sẽ trình chiếu những bộ phim có nội dung phù hợp. Hơn nữa, là người trực tiếp tiếp xúc, gần gũi với bà con nhân dân, nắm rõ địa bàn các khu dân cư, ông Bưởi thường xuyên chủ động tham mưu với Ban Giám đốc, đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới hoạt động chiếu phim để thu hút đông khán giả đến với mỗi điểm chiếu, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Ngoài những bộ phim tuyên truyền về chính trị, đội còn chiếu những bộ phim tài liệu về xây dựng quê hương, đất nước, về lao động sản xuất giỏi… nên bà con cũng học được nhiều kinh nghiệm hay, áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Trương Thanh Bưởi chia sẻ kinh nghiệm sử dụng máy chiếu với đồng nghiệp.
Ông Trương Thanh Bưởi chia sẻ kinh nghiệm sử dụng máy chiếu với đồng nghiệp.

Hiện nay, các loại hình vui chơi, giải trí ngày càng đa dạng nên chiếu bóng lưu động dường như đã không được mấy khán giả ở thành phố quan tâm, thế nhưng ở những vùng sâu, vùng xa không có nhiều loại hình giải trí thì hình thức này lại được rất nhiều người dân đón đợi và trở thành buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ông cũng khuyến khích các thành viên trong đội, những lúc rảnh rỗi tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ với thanh niên của địa phương, giúp đỡ bà con tăng gia sản xuất, qua đó tạo tinh thần đoàn kết, xóa bỏ khoảng cách giữa những người cán bộ văn hóa với người dân. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ông Bưởi tâm niệm, người cán bộ văn hóa không chỉ biết vận hành máy chiếu phim, mà còn phải biết cả công tác dân vận.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc