Multimedia Đọc Báo in

Ấm tình quê hương

09:01, 29/03/2018

Được thành lập từ năm 2010, Hội Đắk Lắk ở TP. Hồ Chí Minh đã trở thành mái nhà chung gắn kết cộng đồng người Đắk Lắk đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.

Qua 8 năm hoạt động, từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay Hội đã có hơn 1.000 thành viên. Hội Đắk Lắk ở TP. HCM đã có mặt ở khắp các quận của thành phố và được chia thành 6 làng nhỏ, gồm: Làng D9 (quận 9 và Thủ Đức), làng Gò Vấp (quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận 12), làng Bình Thạnh (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2, quận 3), làng Tân Bình (quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận 6), làng 4-7-8 (quận 4, quận 7, quận 8), làng 10 (quận 5, quận 10, quận 11).

Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Hội trại truyền thống (tháng 3), Hội thao truyền thống (chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3), tháng 5 tình nguyện, Hội trại chào đón tân sinh viên (tháng 10), Đêm nhạc ngọn lửa Tây Nguyên (tháng 12)... tạo sân chơi giúp thanh niên, đặc biệt là tân sinh viên giảm bớt những bỡ ngỡ ban đầu; và còn là nơi tư vấn, trao đổi, cung cấp thông tin về một số kỹ năng cần thiết trong cuộc sống xa nhà. 

Các thành viên Hội Đắk Lắk ở TP.HCM chụp ảnh lưu niệm  trong hội trại truyền thống 2017.
Các thành viên Hội Đắk Lắk ở TP.HCM chụp ảnh lưu niệm trong hội trại truyền thống 2017. Ảnh: D. Sơn

 Không dừng lại ở đó, phát huy tinh thần tuổi trẻ Đắk Lắk, hằng năm Hội Đắk Lắk ở TP. HCM còn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các chương trình như: “Xuân yêu thương” gói hàng trăm chiếc bánh chưng, trao nhiều suất quà trao cho những người lang thang, cơ nhỡ ở TP. HCM; bán báo gây quỹ ủng hộ nạn nhân trong vụ tai nạn trên cầu Sêrêpốk (năm 2012), ủng hộ quỹ hướng về biển Đông, về mái ấm tình thương; Bí đỏ nghĩa tình - giải cứu giúp nông dân trồng bí ở Nông trường 717, huyện Ea Kar (năm 2017)…

 
Hiện nay, kinh phí hoạt động của Hội là từ sự đóng góp của các thành viên, do đó các hoạt động chỉ mới thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận mà chưa thể tổ chức được các chương trình về nguồn. Tháng 4 này, Hội sẽ cùng với Hội thiện nguyện về trao quà và tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các em học sinh nghèo tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).
 
Bạn Võ Minh KhảiPhụ trách Hội Đắk Lắk ở TP. HCM

Không chỉ vậy, Hội Đắk Lắk ở TP. HCM còn hỗ trợ tìm việc làm, nhà trọ cho sinh viên người Đắk Lắk. Nhớ đến ngày đầu tiên bước chân vào TP. HCM, em Trần Thị Lan (huyện M’Đrắk) sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM vẫn còn cảm thấy ám ảnh. Giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn để tìm được một căn phòng trọ giá rẻ, an ninh đảm bảo ở quận 5 là một việc rất khó. “Lúc ấy, em đang ngồi thất thần vì không tìm được nhà trọ, thì có một ông xe ôm ghé lại hỏi thăm và khoe có quen biết với vài trung tâm giới thiệu nhà trọ và việc làm cho sinh viên làm thêm. Tin tưởng gửi 400.000 đồng để nhờ ông chở tới trung tâm giới thiệu phòng trọ cho sinh viên, nhưng khi được chở đến một trung tâm cho thuê nhà đất trên đường Bà Hạt (quận 10) và đợi đến chiều, thì ông ta biến mất cùng với số tiền. Đang hoang mang, thì em được các anh, chị trong Hội Đắk Lắk ở TP. HCM giúp đỡ tìm phòng trọ và giới thiệu việc làm thêm để trang trải một phần cho cuộc sống sinh viên, cũng từ đó em tham gia vào Hội cho đến nay”, bạn Lan nhớ lại. 

Thành viên Hội Đắk Lắk ở TP. HCM tham gia trò chơi nhảy sạp trong hội trại truyền thống. Ảnh: D.Sơn
Thành viên Hội Đắk Lắk ở TP. HCM tham gia trò chơi nhảy sạp trong hội trại truyền thống. Ảnh: D.Sơn

Hay như bạn Lê Thị Thùy Dung, 28 tuổi (huyện Cư Kuin) hiện đang là nhân viên tư vấn pháp lý của Công ty TNHH Tư vấn Lê Quỳnh (quận Gò Vấp, TP. HCM), tham gia Hội khi còn đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học mở TP. HCM. “Trước đây, mình khá tự ti trong giao tiếp, nhờ tham gia vào Hội mà mình năng nổ, hoạt bát hơn, có thêm nhiều mối quan hệ trong công việc và cuộc sống. Mình rất vui khi được giúp đỡ các tân sinh viên”, bạn Dung hồ hởi nói.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động của Hội Đắk Lắk ở TP. HCM trong những năm qua đã giúp nhiều thanh niên, sinh viên Đắk Lắk yên tâm, vững tin nơi đất khách quê người. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của những người con Đắk Lắk xa quê.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.