Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những người điều trị bệnh nhân cai nghiện ma túy

08:49, 22/02/2017

Cùng khoác lên mình chiếc áo blu trắng, song những bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy lại vô cùng vất vả, nhọc nhằn. Công việc không chỉ đòi hỏi họ vững vàng, có kiến thức chuyên sâu về mặt chuyên môn mà còn phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, luôn luôn sát cánh đồng hành, động viên bệnh nhân chiến thắng, vượt qua những cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Khi mới đặt chân vào Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), như bao bệnh nhân khác, P.L. có tâm trạng lo lắng, hoang mang bởi không biết mình có đủ sức mạnh ý chí để vượt thử thách của giai đoạn cắt cơn hay không. Nắm bắt được tâm lý bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường không nóng vội bắt tay ngay vào công việc mà dành thời gian trò chuyện, tâm sự với bệnh nhân, tạo sự thân thiện, tin tưởng lẫn nhau như giữa những người bạn tâm giao. Với thái độ cởi mở và bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm của một lương y, tình thương của một người cha, bác sĩ Cường phân tích cho P.L. về tác hại khôn lường của ma túy, ông còn bổ trợ, trình chiếu các băng đĩa, minh chứng những hệ lụy đối với gia đình, xã hội mà ma túy gây ra. Cuối cùng ông tư vấn về phương pháp điều trị của cơ sở, đồng thời thẳng thắn trao đổi với bệnh nhân, khẳng định để có thể cai nghiện thành công thì cần có sự hợp tác giữa hai bên, trên tinh thần tự nguyện, quyết tâm cao của bệnh nhân thì mới có thể cai nghiện thành công.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường chuẩn bị thuốc cho các bệnh nhân cai nghiện.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường chuẩn bị thuốc cho các bệnh nhân cai nghiện.

Làm xong công tác tư tưởng, cuộc điều trị bước vào giai đoạn thử thách cam go nhất, P.L. được điều trị cắt cơn, giải độc. Trong suốt 3 ngày đêm thực hiện quy trình cắt cơn, bác sĩ Cường cùng thức trắng, theo dõi “nhất cử nhất động” của bệnh nhân để kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra. Đối với các bệnh nhân, nếu đây là giai đoạn khó khăn, đòi hỏi họ phải nỗ lực rất cao để vượt qua thì đối với các bác sĩ đây là quãng thời gian họ đối mặt với những tai nạn, rủi ro không chỉ về mặt chuyên môn (bệnh nhân bị sốc) mà còn có thể nguy hiểm đến bản thân. Bác sĩ Cường tâm sự: “Khi cắt cơn, bệnh nhân không còn là chính mình, cảm giác “đói, thèm” thuốc, lên cơn vật vã do phải ngưng sử dụng ma túy nên họ có những hành vi không thể kiểm soát, trên thực tế đã từng xảy ra bị trường hợp bệnh nhân tấn công, hành hung bác sĩ”.

Góp sức cùng bác sĩ Cường trong điều trị các bệnh nhân tại cơ sở là điều dưỡng Nguyễn Thị Phượng. Vượt qua những lo lắng, sợ hãi ngày đầu mới vào làm việc như nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS từ những người  bệnh, ngày ngày chị vẫn vượt 30 km đến cơ sở, tận tâm, hết mình hỗ trợ bệnh nhân. Công việc lấy thuốc, nhắc nhở bệnh nhân uống theo đúng giờ giấc, hoặc giúp bệnh nhân trong các sinh hoạt hằng ngày tưởng chừng giản đơn với những bệnh nhân thường, song với những bệnh nhân nghiện ma túy thì hết sức cam go, yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Chị chia sẻ, khi gặp những bệnh nhân bướng bỉnh, mình cần ôn tồn nhẹ nhàng vận động, thuyết phục; còn với những trường hợp bệnh nhân trẻ, có thái độ trêu chọc, xúc phạm, hành động thái quá thì mình phải hết sức kiềm chế, khéo léo ứng xử, vừa để bệnh nhân không có tâm lý tổn thương dẫn đến phản ứng vượt tầm kiểm soát vừa tự bảo vệ được bản thân. Dẫu công việc vất vả, nhưng Nguyễn Thị Phượng tâm niệm sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài, góp một phần công sức cùng xã hội ngăn chặn cái chết trắng.

Còn với bác sĩ Phạm Thị Ngọc Lan (Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh), đã gắn bó với công việc điều trị cai nghiện từ năm 2004 thì cũng có bao chuyện kể buồn vui xung quanh nghề. Chị cho biết, đa số học viên vào trung tâm đều là những người bị bắt buộc chứ không phải tự nguyện, vì vậy học viên thường tỏ ra bất hợp tác. Để giải quyết “bài toán” này, bác sĩ Lan kiên trì nhẫn nại, tìm cách tiếp xúc, gần gũi học viên và giải thích, động viên, cảm hóa để họ chịu hợp tác theo phác đồ trị liệu. Việc thuyết phục cần có nhiều thời gian, bởi phần lớn học viên đều có tâm lý rất tự ti, cho rằng mình là “con nghiện”, bị xã hội, gia đình kỳ thị ruồng bỏ nên thường phản ứng, xúc phạm những y, bác sĩ; cũng có trường hợp học viên tìm cách mua chuộc để cho họ ra ngoài, tìm cách thỏa mãn cơn nghiện… Chị kể câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, các học viên bàn nhau để chị cùng điều dưỡng vào phòng cắt cơn và khống chế, ra yêu sách, lần ấy tuy chị thoát ra được nhưng điều dưỡng Mai Thị Vui bị các học viên trói lại, sau nhiều giờ “thương thảo”, phân tích lẽ đúng sai, họ mới chịu thả ra. Qua thời khắc hiểm nguy ấy, với tấm lòng bao dung của một lương y, chị cũng như điều dưỡng Vui lại quên đi hành động bộc phát, không kiểm soát được của các học viên mà tiếp tục tận tình chăm sóc, điều trị, giúp họ cắt cơn thành công.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc