Multimedia Đọc Báo in

Ea Yiêng phát huy nguồn lực trong công tác giảm nghèo

20:26, 08/05/2015

Cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) và các đơn vị, tổ chức đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trao đổi về công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hải cho biết: “Ea Yiêng là xã vùng 3, hiện có 1.141 hộ, với 5.700 khẩu. Cuối năm 2011, toàn xã có 812 hộ nghèo (chiếm 80%). Với đặc thù của địa phương có trên 86% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Bởi qua khảo sát của UBND xã cho thấy, đa số hộ nghèo là do thiếu tư liệu, kinh nghiệm sản xuất, lao động, vốn, không có việc làm, không biết cách làm ăn, đông người ăn theo... Để giúp người dân vươn lên, địa phương đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà ở, vật tư phục vụ sản xuất, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Đồng thời, các cấp, ngành, doanh nghiệp cũng quan tâm hỗ trợ thêm nhiều nguồn lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Nguyễn Văn Hải kiểm tra mô hình trồng mít siêu sớm của người dân trên địa bàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Nguyễn Văn Hải kiểm tra mô hình trồng mít siêu sớm của người dân trên địa bàn xã.

Từ năm 2011 đến nay, riêng chương trình tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ 8 chương trình cho vay khác nhau với tổng dư nợ trên 6,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở và chăm lo việc học tập cho con em. Bên cạnh đó, đã tổ chức cho gần 1.400 lượt người nghèo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa, cà phê, chăn nuôi bò vỗ béo, heo hướng nạc, gà thả vườn. Những hộ nghèo trên địa bàn còn được quan tâm tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, cứu đói giáp hạt, trợ giúp pháp lý… Đặc biệt, cuối năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ 100 con bò cho 100 hộ nghèo trên địa bàn với tổng nguồn vốn 1 tỷ đồng. Trong 2 năm 2013 và 2014, Chương trình 135 cũng hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mua 96 con bò cho các hộ nghèo của xã phát triển kinh tế. Không những vậy, địa phương còn được thụ hưởng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Năm 2013, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình trồng mít siêu sớm Thái Lan và nuôi gà thả vườn cho 70 hộ dân ở các buôn Kon Tây, Cư Đrang, Kon Wang, Kon H’ring và Ea Mao với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Năm 2014, Chi cục Thủy sản đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm với diện tích 200 m2 ở buôn Kon Wang, sau đó tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân rộng mô hình. Để chia sẻ khó khăn với địa phương, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VINGROUP) cũng đã tài trợ 50 con bò cho 50 hộ nghèo của xã. Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp, các đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho người dân địa phương. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, tính đến cuối năm 2014, toàn xã còn 695 hộ nghèo (chiếm 60,91%), đời sống của người dân ổn định hơn trước, nhiều hộ đã có thêm cơ hội thoát nghèo từ các nguồn lực được hỗ trợ.

Do không có việc làm ổn định, nương rẫy ít nên nhiều năm qua, gia đình chị Nua (dân tộc Xê Đăng) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của buôn Kon Wang. Năm 2008, gia đình chị được hỗ trợ 1 con bò từ Chương trình trợ giá, trợ cước, nhờ biết cách chăm sóc nên sinh sản thêm 2 bê con và đã xuất bán. Nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cuối năm 2014, gia đình chị được cấp thêm 1 con bò, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng và trồng cỏ. Chị  Nua cho biết, từ  ngày có chuồng nuôi và chủ động được nguồn thức ăn cho bò, vợ chồng chị có thêm thời gian trồng tỉa, chăm sóc hoa màu và đi làm thuê nên cuộc sống cũng đỡ túng thiếu hơn trước. Biết chăm sóc tốt số bò này sẽ giúp gia đình chị có thêm điều kiện đầu tư cho con cái ăn học. Tương tự, năm 2013, gia đình ông Brek ở buôn Kon Wang đã được hỗ trợ  200 cây mít giống, phân vi sinh bón lót, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đến nay, vườn cây đã phát triển tốt, bắt đầu cho thu bói. Ông Brek cho biết: “Nhà tôi có gần 4 sào đất cằn cỗi nên trồng cây gì cũng không hiệu quả.

Nhưng từ khi được hỗ trợ trồng cây mít, tôi thấy đây là loại cây trồng phù hợp với vùng đất này và hy vọng đây sẽ là cây thoát nghèo, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Theo anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, đạt được mục tiêu giảm từ 8-10% hộ nghèo/năm, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ tập trung triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Các hội, đoàn thể và ban tự quản buôn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh tình trạng bán lúa non, bắp non, bán gạo, muối do Nhà nước hỗ trợ; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm tỷ lệ sinh. Nhưng quan trọng hơn, các ngành hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn xã, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhằm tăng diện tích canh tác lúa 2 vụ/năm, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước tập trung, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng mức cho vay phát triển sản xuất và nhất là có chính sách tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc