Multimedia Đọc Báo in

"Công ty hai sọt" về với buôn làng

15:59, 17/08/2014

Nắng mưa như một, các “công ty hai sọt” luôn chất đầy hàng hóa để đi đến các buôn làng phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con. Qua càng nhiều vùng quê đất đỏ thì họ càng nhận được nhiều tình cảm và sự quý mến của đồng bào.

Phục vụ hết hàng thì về

Cũng là “hai sọt” nhưng họ không phải là người dân bản địa, dân huyện lân cận chuyên chở hàng rau củ, thực phẩm đi bán. Họ là những người dân xa xứ, đến từ TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) chở hàng hóa, văn phòng phẩm… để phục vụ bà con buôn làng. Những nơi có dấu xe của công ty “hai sọt” thường là các con đường làng bé tí, lắm ổ voi ổ gà hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp… mà xe hàng lớn, ô tô không thể nào đi được. Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy cà tàng chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút.

Hơn 5 năm gắn bó với nghề, anh Lê Thanh Hương thuộc lòng từng chỗ sụt lồi, ngoằn nghoèo trên đường vào xã Hòa Phong, xã Hòa Lễ của huyện Krông Bông. Anh Hương vốn gia cảnh khó khăn lại không được học hành nhiều, dù đã cố gắng làm nhiều nghề nhưng vẫn không đủ sống. Khó khăn hơn từ khi anh lập gia đình, thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân không đáng là bao nên anh quyết định chọn nghề “hai sọt”. Anh tâm sự: “Có cái nghề mà làm ăn là may mắn lắm rồi, vất vả chừng ấy không thấm tháp là bao, chỉ mong có cơm ăn, áo mặc, con cái được nuôi dưỡng đầy đủ. Hơn nữa, người dân vùng này chân chất, thật thà nên mình cũng chẳng có gì phải sợ khi chở hàng vào tận buôn làng xa xôi”.

Mỗi lần về buôn làng, anh Hương và đồng nghiệp thường mất 3-5 ngày để bán hết mặt hàng, có khi ế ẩm, mưa gió triền miên, đành ở hơn một tuần lễ mới về nhà. Anh Phan Ngọc Lâm, 28 tuổi, mới lập gia đình và cũng mới chọn nghề nên không giấu được nỗi lòng: “Lắm lúc đi bán hàng mà gặp mưa gió cả tuần vẫn chưa thể về nhà được. Nhớ vợ con lắm, những lúc con ở nhà ốm mình càng mong bán nhanh hết hàng để chạy về ngay. Thế nhưng ngẫm lại, mình đã là trụ cột của gia đình, phải cố gắng làm việc để vợ con bớt khổ”.

Anh Hương (bìa phải) cùng
Anh Hương (bìa phải) cùng "đồng nghiệp" về nghỉ trọ tại xã Cư Drăm (Krông Bông) sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Dak Lak đang vào mùa mưa, cũng là mùa tựu trường nên học sinh cần dụng cụ học tập. Cùng với các dịp lễ Tết, đây là mùa người dân cần mua sắm nhiều nhất cho con em, gia đình nên “hai sọt” rất đắt hàng. Lắm hôm mưa gió đùng đùng, những chiếc xe như cục bùn di động, lăn lê bùn đất mãi có khi cả buổi chỉ chạy được hơn chục cây số. Vui nhất với “hai sọt” là nhận được sự mua hàng nhiệt tình của bà con và bắt gặp những đứa trẻ vây quanh, tíu tít cười nói bên chiếc xe cà tàng chở hàng.  

Sau những ngày “chinh chiến” ở các thôn bản, “cục bùn di động” được các anh gột rửa sạch sẽ để nhanh chóng về thăm nhà, sau đó họ chạy thẳng về TP. Hồ Chí Minh lấy hàng, rồi ngược lên huyện Krông Bông, Krông Năng… thậm chí ngược lên huyện K’Bang, huyện Krông Pa (Gia Lai)… để bán hết hàng. Có nhiều người đã gắn liền với những chuyến bán hàng như thế hàng chục năm trời.

 “Họ gần gũi như người dân nơi này rồi!”

Đi mỗi ngày hàng trăm cây số, đến tối mịt họ lại chọn nhà người dân để xin ở trọ qua đêm. Thương cảnh người bán hàng xa xứ, bà con chỉ thu từ 20-30 nghìn đồng và cho mượn gối, chăn, thau chậu để sinh hoạt. “Trả ơn” cho sự nhiệt tình ấy, người bán hàng biếu lại chủ nhà cái khẩu trang, vòng buộc tóc, chai dầu gội... Của ít nhưng đong đầy tình cảm, vì vậy họ được dân buôn làng thương tình và sẵn lòng giúp đỡ. “Nhiều khi đường xấu nên ngã xe, hàng hóa đổ vung vãi, trời lại mưa gió, thật may là mấy người dân đi đường thấy vậy ùa đến giúp đỡ hàng, đôi lúc các bác còn mời mình vào nhà uống nước”- anh Phan Văn Hoàng, một người trong nhóm “hai sọt” đến từ TP. Tuy Hòa cảm động nói.

Nói là “hai sọt” nhưng thực chất mỗi xe chở 3-4 thùng hàng hóa cỡ nhỏ. Họ thu xếp thật gọn các mặt hàng để chứa được thật nhiều nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi đi đường. Thời gian đầu mới xa nhà đi buôn bán, vài lần đang giữ tay lái thật chặt để kéo ga lên dốc, anh Hương bị người say xỉn chặn lại xin tiền hút thuốc, uống rượu. Thấy đường vắng, thân cô thế cô, anh đành nín lòng làm theo. Anh cười hiền kể lại: “Chuyện này lâu lắm rồi, giờ không còn nữa đâu. Bà con tốt với mình lắm, chỉ cần thấy người nào có biểu hiện chặn xe là xem như người đó bị cả buôn nhắc nhở liền”.

Gia đình chị H’Sơn Niê, ở buôn Cư Drăm, xã Cư Drăm (Krông Bông) thường cho những người bán hàng xa xứ thuê trọ chia sẻ: “Họ thường hay thuê phòng muộn và dậy đi bán từ rất sớm, nhìn vất vả lắm! Tới ở buôn mình gần 5 năm nay, họ gần gũi như người dân nơi này rồi! Họ là người tốt, mang nhiều hàng hóa về với buôn làng. Nhờ có họ mà bọn mình biết được công dụng hay của nhiều sản phẩm”. Có thể nói rằng, những người chở hàng lên vùng sâu buôn bán cùng người dân bản địa đang góp phần giao lưu, kéo gần lại khoảng cách vùng miền.

Lại thêm một buổi sáng mưa to, gió lạnh, hành trang lên đường vẫn là những thùng hàng. “Phụ kiện” đi kèm là bơm xe, săm, lốp đề phòng khi gặp sự cố hỏng hóc xảy ra trên đường. Nhiều hôm anh Hương, anh Hoàng và các “đồng nghiệp” khác bị hỏng xe, phải nhịn đói giữa đồng không mông quạnh khiến họ khá lo ngại. Vì vậy mà mỗi lần vào buôn làng, các anh mong thấy nhà dân, thấy trẻ con vui chơi, đùa nghịch, bởi các anh tin nơi đó sẽ có những người dân thân thiện, nhiệt tình giúp chia sẻ khó khăn…

Trời đang nắng, bỗng nhiên mưa rừng đổ ầm ầm nhưng công ty “hai sọt” vẫn không ngừng di chuyển. Trong chốc lát, họ bọc hàng cẩn thận rồi lên xe tiến thẳng hướng buôn làng. Họ cặm cụi mưu sinh bất kể nắng mưa để đưa hàng hóa về với bà con và đặc biệt mong cho tương lai của những đứa con yêu của họ tươi sáng hơn họ. Riêng nỗi nhọc nhằn, vất vả chỉ riêng họ mới hiểu thấu và âm thầm chịu đựng qua tháng ngày…

Không cơ quan quản lý, không báo cáo thành tích nhưng “hai sọt” tới đâu cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt, thân thương của người dân buôn, làng. Anh Hoàng nhẹ nhàng: “Chỉ cần mình buôn bán lương thiện, thật thà với người dân bản địa thì họ cũng sẽ tốt lại với mình. Bởi vốn dĩ, họ sống rất tốt, chân chất và thật thà…” .

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc