Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp pháp lý về vùng sâu

23:07, 29/09/2012

 

Chẳng quản ngại trời mưa, không bàn ghế để ngồi nhưng người dân vẫn hăm hở đến, còn cán bộ thì nhiệt tình tư vấn. Đó là những gì mà chúng tôi đã được chứng kiến trong một ngày theo chân đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh v trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà con ở các thôn, buôn khó khăn của huyện Buôn Đôn...

Đội mưa đi nghe trợ giúp pháp lý

Cơn mưa tầm tã suốt từ Buôn Ma Thuột đến xã Ea Huar như muốn thách thức đoàn cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Anh chị em trong đoàn ai cũng phấp phỏng vì lo mưa gió thế này chẳng có ai đến để nghe trợ giúp pháp lý. Đi trợ giúp miễn phí nhưng ai cũng sốt sắng lắm!

a
Đội mưa đi nghe trợ giúp pháp lý

Đáp lại sự nhiệt tình của đoàn, nhiều người không có xe máy cũng đi xe đạp, thậm chí là cuốc bộ, khoác áo mưa lặn lội ra hội trường UBND xã dù có trễ hơn một chút so với thời gian đã được thông báo. Theo kế hoạch làm việc tại xã Ea Huar, đoàn sẽ trợ giúp pháp lý cho người dân của thôn Nà Sược, các buôn Jang Pong và Rếch A. Thế nhưng, không ít bà con ở các thôn, buôn khác trên địa bàn xã khi nghe có đoàn của Trung tâm Trợ giúp pháp lý về tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cũng tìm đến. Lùm xùm với chiếc nón và áo mưa, một người phụ nữ đứng tuổi khuôn mặt đen sạm, dựng vội chiếc xe đạp bên gốc cây rồi rón rén lại gần hỏi nhỏ: “Cô ơi cho tôi hỏi tôi chỉ là nông dân có được vào đây ngồi nghe không cô?”. Tôi sốt sắng dẫn bà vào ghế ngồi và bắt chuyện. Bà có tên Vũ Thị Nhàn ở thôn 5. Theo danh sách thì thôn 5 không nằm trong kế hoạch trợ giúp pháp lý lần này nhưng mấy ngày trước, bà Nhàn nghe trên loa truyền thanh của xã, lõm bõm câu được câu mất chỉ biết loáng thoáng là hôm nay có đoàn trợ giúp pháp lý về xã tư vấn nên cũng muốn đến nghe. Bà tâm sự: Bà và nhiều người dân nông thôn nhất là những vùng sâu vùng xa ít hiểu biết về pháp luật nên việc lớn việc nhỏ đụng đến luật là lúng túng, thậm chí e ngại nữa. Nghe đài, xem tivi cũng biết thêm đôi chút nhưng chẳng gì bằng được trực tiếp mắt thấy tai nghe. Thế nên, dù trời mưa gió bà cũng tranh thủ thu xếp việc nhà đến nghe để hiểu biết thêm về vận dụng vào thực tế và tuyên truyền cho con cái. Được cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý phát cho tờ gấp giới thiệu về một số luật liên quan đến những lĩnh vực người dân thường gặp như đất đai, hôn nhân gia đình, bà Nhàn mừng lắm vì ở thôn, bà tham gia sinh hoạt trong chi hội nông dân nên bà bảo đây là tài liệu quý để có dịp sẽ phổ biến cho các hội viên cùng nghe.

a
Bà Vũ Thị Nhàn đọc và nghiên cứu kỹ tài liệu được phát

 

Tại buổi trợ giúp pháp lý hôm ấy, hội trường của UBND xã Ea Huar cũng kín hơn phân nửa với khoảng 30 người đến nghe trợ giúp, khác với dự đoán của đoàn cũng như lãnh đạo xã: mưa gió thế này có khi chẳng ai đến.  

Không bàn không ghế vẫn ngồi nghe và trợ giúp vô tư

Cùng ngày, đoàn đến tư vấn cho các buôn Tul A, Tul B của xã Ea Wer. Trái ngược với cơn mưa tầm tã buổi sáng, buổi chiều trời nắng gắt. Tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Tul A, đúng 13 giờ 30 phút, bà con kéo nhau đến, nhiều người còn đem theo cả con nhỏ, đứa đã biết đi, đứa vẫn đang ôm bầu ngực mẹ. Không bàn không ghế, chẳng ngần ngại, bà con rủ nhau vô tư ngồi bệt ngay xuống sàn nhà để nghe tư vấn. Còn cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý chỉ cần căng lên một tấm panô với nội dung về trợ giúp pháp lý lưu động, thế là xong những thủ tục về hình thức, bài trí. Những phút ban đầu của buổi trợ giúp, khi cán bộ phát bút và giấy để bà con ghi câu hỏi cần tư vấn, giải đáp, dường như mọi người có vẻ e ngại. Vậy là cán bộ của Trung tâm lại lần lượt đi hỏi từng người rồi nhanh chóng giúp họ ghi chép những băn khoăn, thắc mắc để trên cơ sở đó tư vấn và giải đáp.  

a
Bà con say sưa tìm hiểu qua tờ gấp tuyên truyền giới thiệu về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình

Ngoại trừ một vài câu hỏi liên quan đến những vấn đề đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng hiện đang được địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết, có một đặc điểm chung ở cả hai xã khi đoàn đến trợ giúp là có không ít câu hỏi mà chính sự thật thà, ngây thơ trong hiểu và thực thi các quy định pháp luật của bà con đã khiến người ta phải suy ngẫm về sự thiếu thông tin, về sự cần thiết của công tác trợ giúp pháp lý. Rất nhiều thủ tục hành chính, rất nhiều những vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ của cuộc sống, người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn lúng túng, mông lung thậm chí bế tắc khi không biết phải làm gì, giải quyết, xử lý ra sao. Chị H’We Hra, buôn NĐrếch A buồn bã, tha thiết mong cán bộ của đoàn tư vấn giúp hoàn cảnh éo le của mình. Chị lấy chồng năm 1996, đến năm 2005 hai vợ chồng chị ly hôn. Từ ngày đó đến nay, một mình chị nuôi 3 đứa con, người chồng không có trách nhiệm. Bản thân chị, từ nhỏ vốn là đứa trẻ mồ côi nên không người thân, không có chỗ nương tựa, chị càng khó khăn trong nuôi dạy con. Chị thật thà hỏi: “Tôi phải đến cơ quan nào để chồng có trách nhiệm với 3 đứa con?”. Chị H’Bu Lay Bkrông, ở buôn Jang Pong thì hỏi: “Hàng năm mua bảo hiểm xe máy nhưng khi bị tai nạn chưa được hưởng quyền lợi. Vậy không may xảy ra phải đến cơ quan nào và làm thủ tục gì?”. Trước thắc mắc của chị, cán bộ tư vấn hỏi chị bị tai nạn lần nào chưa và nếu có thì có đến cơ quan nơi mua bảo hiểm cho xe để hỏi các thủ tục không? Hóa ra chị có bị tai nạn và sau đó chẳng đi đến cơ quan bảo hiểm vì nghĩ rằng... cứ ở nhà nghiễm nhiên là được hưởng quyền lợi. Trước khi hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cán bộ của đoàn đã tư vấn cho chị một cách đơn giản dễ hiểu rằng: Không nói thì ai biết mà.

Tất cả các câu hỏi của bà con đều được cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý đọc và trả lời cụ thể từng ý kiến. Mỗi giải đáp có thể chỉ một vài phút nhưng với những người còn đang thiếu kiến thức, thông tin phổ thông về pháp luật, rõ ràng đó là một bước vạch đường quan trọng để họ tìm được cách giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan đến luật đang khúc mắc.

Đàm Thuần

 

 


Ý kiến bạn đọc