Multimedia Đọc Báo in

Hình thành nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp- xu thế tất yếu trong giai đoạn mới

09:58, 31/08/2011

Cùng với những biến đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội thì ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết; cả tỉnh hiện có 750.000 người (chiếm 43% dân số) cần được trợ giúp các dịch vụ xã hội, đối tượng này ngày càng nhiều thêm. Chính vì vậy, rất cần sự tham gia giải quyết của một đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp, có trình độ và có lòng nhân ái. Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020” mà UBND tỉnh vừa phê duyệt sẽ là lời giải cho “bài toán” nhân sự giải quyết các vấn đề xã hội trong thời gian tới ở tỉnh ta…

Nghề của những tấm lòng nhân ái
Gửi xe máy, bì bõm lội qua đoạn đường dài loanh quanh các bờ ruộng để đến thăm cháu Hoàng Thị Thùy Trang vừa mới mổ tim ở thôn 6 rồi lại tất tả quay ra, vượt một quãng đường trơn trượt để đưa chế độ đến cho 2 cháu mồ côi Võ Văn Anh và Võ Thị Thanh Tuyền ở thôn 1…đó là những công việc thường ngày của anh Nguyễn Văn Hưng, cán bộ Ban Lao động - Thương binh và Xã hội của xã Cư Kty (huyện Krông Bông). Cả xe và người đều lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, anh Hưng vẫn cười tếu táo “Chẳng ai làm cán bộ mà được đi… công tác nhiều như tôi cả, ngày nào cũng đi ít nhất là 20km, tiền xăng xe, công tác phí thì về quyết toán với… vợ”… Quả thật là như vậy, vợ anh quanh năm lam lũ buôn bán với gánh quà vặt ở chợ  để nuôi 4 đứa con ăn học và  nuôi luôn…nghề của chồng nữa. Bởi vì, chỉ với khoản phụ cấp bằng mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng thì sao đủ cho anh sinh hoạt cá nhân, nói gì đến chi phí khác. Vậy mà anh cũng “bám” cái nghề “vác tù và hàng tổng” này đến hơn chục năm nay, từ ngày phụ cấp chỉ mới chưa đầy 100.000 đồng. Anh tâm sự: “Mình làm vì cái tâm, thật vui vì giúp bà con nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận được với những chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước hay tư vấn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống…”

Anh Nguyễn Văn Hưng (trái) thăm và tặng quà cháu Hoàng Thị Thùy Trang vừa mổ tim ở thôn 6, xã Cư Kty.
Anh Nguyễn Văn Hưng (trái) thăm và tặng quà cháu Hoàng Thị Thùy Trang vừa mổ tim ở thôn 6, xã Cư Kty.
Cũng như anh Hưng, chị Phạm Thị Hương, cán bộ phụ trách mảng lao động - thương binh và xã hội ở xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) quanh năm tất bật với những chuyện của nàng “dâu trăm họ”. Vừa từ buôn về chưa kịp ngồi vào bàn làm việc chị đã hồ hởi khoe: “Thành công rồi, hòa giải được cho 2 vợ chồng ở buôn Kwang A đoàn tụ trở lại, không ra tòa và hứa không đánh nhau nữa… vui quá”. Chị Hương bộc bạch: Nghề này thật sự gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cái cảm giác khi giúp được ai việc gì đó bỗng thấy mình có ích và hạnh phúc lắm”…

Bên cạnh những cán bộ làm công tác xã hội (CTXH) như anh Hưng, chị Hương, chúng ta cũng đã từng biết đến những thanh niên tình nguyện giúp đỡ các gia đình chính sách, các trẻ em vùng sâu vùng xa biết đọc biết viết; những cán bộ tổ dân phố làm trăm thứ việc không tên… Nhiều người cho rằng họ là những người “rỗi hơi”, công việc của họ nhiều khi mang nặng tính tự phát. Nhưng thực chất đó chính là công việc của những nhân viên CTXH, mà ở nhiều nước trên thế giới đã hình thành một nghề chuyên nghiệp hàng trăm năm nay. Và tháng 3-2010, những người làm CTXH đã chính thức được Nhà nước thừa nhận là một nghề - nghề cần nhiều kỹ năng và tấm lòng nhân ái - nghề công tác xã hội.

Trong nhiều năm qua, CTXH của tỉnh đã thu được những kết quả đáng kể, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh - trật tự trên địa bàn. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo , đầu tư nguồn lực thực hiện các chương trình giảm nghèo, trợ cấp xã hội, phòng chống ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS, bạo hành phụ nữ và trẻ em…, bố trí, đào tạo cán bộ làm công tác xã hội các cấp. Ngoài ra, còn triển khai nhiều biện pháp trợ giúp như tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp xã hội hằng tháng…Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường vận động  các tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, tổ chức từ thiện xã hội trong việc tham gia hưởng ứng và thực hiện chính sách xã hội…

Chị Phạm Thị Hương đang chi trả chế độ cho những người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Chị Phạm Thị Hương đang chi trả chế độ cho những người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và những tác động của quá trình đổi mới, dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư từ nông thôn ra đô thị… làm tăng vọt những nguy cơ và số lượng người bị ảnh hưởng cần được giúp đỡ. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng gần 750.000 người  cần trợ giúp các dịch vụ xã hội (chiếm khoảng 43,5% dân số). Trong đó có gần 100.000 người cao tuổi; 15.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; 73.000 người khuyết tật; 514.960 người nghèo và cận nghèo; 25.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; 1.800 người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV;… Bên cạnh đó, tỉnh  có 35 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 110 xã có tệ nạn xã hội; nhiều hộ gia đình xảy ra bạo hành, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở các mức độ khác nhau và các vấn đề xã hội khác như: ly hôn, người tàn tật, người già và trẻ em bị bỏ rơi… Sự biến động số lượng ở mỗi nhóm đối tượng này rất khác nhau, hơn nữa nền kinh tế phát triển nhanh, nhiều vấn nạn xã hội nảy sinh và cần có những nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp giải quyết.

“Cần khoảng 1.000 người làm nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở các cấp”
Đó là một trong những chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch  thực hiện “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020” của tỉnh vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Trên thực tế, hiện nay toàn tỉnh mới có khoảng 630 người làm trong lĩnh vực công tác xã hội, trong đó cấp tỉnh 15 người, cấp huyện 45 người, cấp xã 350 người và tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục lao động là 220 người. So với đối tượng cần trợ giúp các dịch vụ xã hội thì lực lượng này còn thiếu về số lượng, đặc biệt là hầu hết chưa qua đào tạo đúng chuyên ngành hoặc làm trái ngành, trái nghề; chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, những nguyên tắc nền tảng, các phương pháp và kỹ năng trong khi tiếp cận và trợ giúp đối tượng nên hiệu quả trợ giúp chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu của đề án là đến năm 2015 mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên nghề CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định là điều không đơn giản.
Để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, điều quan trọng là phải nhìn nhận một cách đúng đắn, toàn diện và cần có chương trình, kế hoạch cụ thể nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH. Vì vậy, thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH theo kế hoạch đã ban hành thì tỉnh sẽ xây dựng 6 đến 7 mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại cấp huyện. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng về CTXH cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH các cấp; tiếp tục công tác đào tạo 50% số còn lại trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH có trình độ từ sơ cấp đến sau đại học đạt trên 1.000 người.

Kế hoạch này thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 có tổng kinh phí dự kiến là hơn 54 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là hơn 5,4 tỷ đồng.

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.