Multimedia Đọc Báo in

Những căn nhà nồng ấm tình người

09:16, 31/08/2011

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã có biết bao thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) hiến dâng cả tuổi thanh xuân bất chấp bom đạn bảo đảm huyết mạch giao thông vì độc lập, tự do của dân tộc. Tuy chiến tranh chống kẻ thù xâm lược đã lùi xa, đất nước hoàn toàn giải phóng nhưng rất nhiều cựu TNXP vẫn đang phải sống trong cảnh neo đơn, thiếu thốn. Để chia sẻ với những khó khăn đó, Hội Cựu TNXP tỉnh đã huy động nguồn lực trong hội viên, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP. Những căn nhà nồng ấm tình người ấy không chỉ là sự tri ân mà còn là động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Lê Văn Nho (ở thôn 20, xã Ea Riêng, huyện M’Drak) xúc động nói: “Nhờ sự quan tâm của đồng chí, đồng đội, các đơn vị, doanh nghiệp nên tâm nguyện được ở trong căn nhà xây kiên cố, không còn lo cảnh nắng, mưa của vợ chồng tôi đã thành hiện thực”. Những năm 1965, ông Nho tham gia lực lượng TNXP tại Tổng kho 559, đường 9 Nam Lào, làm nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường. Năm 1972, ông xuất ngũ trở về quê hương Thái Bình, lập gia đình, sinh sống được 13 năm rồi chuyển vào Dak Lak. Bà Vũ Thị Kim, vợ ông cũng từng tham gia lực lượng kháng chiến của địa phương. Chính những năm tháng cống hiến hy sinh tuổi thanh xuân để tham gia mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, giữ huyết mạch giao thông phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà vợ chồng ông đã không thể có con. Để cuộc sống bớt phần hiu quạnh,  hai vợ chồng quyết định nhận nuôi một người con trai sinh năm 1984.

Căn nhà tình nghĩa của gia đình ông Lê Văn Nho (thôn 20, xã Ea Riêng, huyện M’Drak).
Căn nhà tình nghĩa của gia đình ông Lê Văn Nho (thôn 20, xã Ea Riêng, huyện M’Drak).
Cuộc sống ở vùng đất mới khó khăn lại không có vốn liếng nên ông bà cố gắng lắm cũng chỉ đủ đắp đổi nuôi con qua ngày. Căn nhà gỗ cũ mấy chục năm che mưa chắn gió đã xiêu vẹo từ lâu nhưng cũng không có điều kiện sửa chữa lại. Thế rồi cuối năm 2010, một niềm vui bất ngờ đã đến khi gia đình ông được Hội Cựu TNXP tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng căn nhà rộng hơn 40m2, trị giá 70 triệu đồng. Chỉ vào những tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba treo trang trọng trên tường, ông Nho bày tỏ: “Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, nay đã hơn 70 tuổi rồi, sức khỏe yếu lại hay đau ốm. Tôi chỉ mong được các cấp, ngành quan tâm, nhanh chóng giải quyết chế độ trợ cấp để cuộc sống bớt phần cơ cực”.

Mỗi căn nhà là một món quà ý nghĩa đối với cuộc sống của những cựu TNXP nghèo. Mỗi mái ấm được hỗ trợ xây dựng là một cảnh đời éo le của hội viên cựu TNXP. Cũng lam lũ, vất vả vượt khó như nhiều hội viên khác, nhưng đến gần cuối đời, vợ chồng cựu TNXP Vũ Xuân Tiến, Đinh Thị Kim Duyên ở thôn 20 (xã Ea Pil, huyện M’Drak) vẫn không thể xây dựng được căn nhà rộng hơn.

Năm 1968, cả 2 vợ chồng ông Tiến cùng tham gia lực lượng TNXP ở đường 20, Binh đoàn 12, Đoàn 559 (Quảng Bình). Sau khi xuất ngũ, ông làm công nhân quốc phòng thuộc Xí nghiệp X 803, Cục Quản lý kiến thiết cơ bản, Tổng cục Kỹ thuật một thời gian sau đó đi xây dựng kinh tế mới ở Dak Lak. Cuộc sống ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, 5 người trong gia đình ông phải ở trong căn nhà gỗ chỉ rộng 12 m2, cảnh chật chội, nắng nóng kéo dài nhưng cũng đành chịu vì không có điều kiện sửa chữa lại. Cảm thông trước những khó khăn đó, tháng 10-2010, Binh đoàn Trường Sơn 559 đã vận động Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa rộng 45m2, đem lại niềm vui bất ngờ cho gia đình ông. “Có được căn nhà ấm cúng, rộng rãi như hôm nay, gia đình tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Binh đoàn Trường Sơn, Hội Cựu TNXP các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền địa phương”, ông Tiến bày tỏ.

Căn nhà tình nghĩa của gia đình ông Vũ Xuân Tiến (thôn 5, xã Ea Pil, huyện M’Drak).
Căn nhà tình nghĩa của gia đình ông Vũ Xuân Tiến (thôn 5, xã Ea Pil, huyện M’Drak).
Trường hợp của ông Nho và ông Tiến chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên cựu TNXP tỉnh được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa trong những năm qua. Bởi sau gần 5 năm triển khai thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Hội Cựu TNXP tỉnh đã huy động mọi nguồn lực trong hội viên, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 47 nhà tình nghĩa, trị giá trên 1,3 tỷ đồng cho cựu TNXP nghèo, neo đơn, khó khăn về nhà ở. Không chỉ được hỗ trợ tiền, mỗi địa phương cũng vận động đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân đến đào móng, san nền, giúp các hộ xây dựng nhà. Khi dọn về nhà mới, các ngành, đoàn thể địa phương, các nhà tài trợ lại cùng đóng góp, hỗ trợ sắm sửa vật dụng gia đình tặng hội viên. Những hội viên neo đơn, sức khỏe yếu còn được Tỉnh Đoàn, Hội Cựu TNXP các cấp và chính quyền địa phương trực tiếp đứng ra làm nhà. Nhìn vào những căn nhà ấm cúng ấy, mới thấy hết nghĩa tình đồng đội với người chiến sĩ xung phong năm xưa. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, các hội viên cựu TNXP còn được tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ phát triển kinh tế. Đặc biệt, các cấp Hội Cựu TNXP đã làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu đề xuất giải quyết các chế độ chính sách đối với cựu TNXP. Đến nay, toàn tỉnh có 1.052 cựu TNXP được hưởng trợ cấp 1 lần, 132 cựu TNXP được hưởng trợ cấp hằng tháng và 11 cựu TNXP được hưởng trợ cấp nhiễm chất độc da cam… Những tình cảm nồng ấm đó đã trở thành động lực giúp các cựu TNXP vươn lên trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh Trịnh Thị Hương cho biết: “Với sự nỗ lực của mình, thời gian qua, Hội Cựu TNXP các cấp đã tích cực vận động các đoàn thể, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong tổng số gần 5.500 hội viên cựu TNXP toàn tỉnh, vẫn còn khoảng 60% hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, rất cần sự góp sức, hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp”.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.