Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người “vác tù và hàng tổng”

09:24, 31/08/2011

Mỗi người một công việc, mỗi người một cách làm, song ở họ lại có chung một ý nghĩ, một trách nhiệm là giúp cho những người nghèo bớt khó khăn, những phong trào ở địa phương được nhân rộng và phát triển…

Hạnh phúc vì được... lo chuyện bao đồng
Đã ngoài cái tuổi ngũ tuần, song hễ cứ nghe được câu chuyện về đứa trẻ tật nguyền nào, bà Nguyễn Thị Minh Nhật (thôn 17A, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) lại gác hết việc nhà, rong ruổi cùng chiếc xe cúp 50 cũ kỹ tìm gặp cho được nhân vật trong những câu chuyện ấy để chứng kiến, cảm nhận và sẻ chia. Về đến nhà, bà lại hì hụi ngồi vào bàn viết gửi đến tòa soạn báo với hy vọng “mai này báo đăng, chắc chắn sẽ có ai đó tốt bụng giúp đỡ cho bọn trẻ”. Hơn 20 năm qua, bà vẫn âm thầm làm những công việc “không ai giao” ấy không một đồng tiền thù lao chỉ để thỏa ước nguyện được giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, những người khổ hơn mình và những người thiệt thòi hơn mình.

Từng sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, hơn ai hết, bà Nhật luôn thấu hiểu nỗi cơ cực của những người ở trong hoàn cảnh khó khăn, nhất lại là những đứa trẻ tật nguyền. Vì thế, bà luôn cố gắng tìm cách để giúp đỡ họ khắc phục vươn lên. Bà kể: “Ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm nên mới học hết cấp II tôi đã phải nghỉ học. Khát khao được đi học không thành, tôi xung phong đi bộ đội với hy vọng ở môi trường ấy tôi không chỉ được góp sức bảo vệ Tổ quốc mà còn có cơ hội được học nhiều thứ hơn. May mắn thay, trong thời gian tại ngũ, tôi đã được lãnh đạo đơn vị quan tâm, tạo điều kiện cho đi học, rồi sắp xếp công việc phù hợp với năng lực. Sau này, khi ra quân rồi tôi vẫn nghĩ, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người ngày ấy, chắc gì tôi đã có cuộc sống như hôm nay. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn như mình thuở nào. Nhưng, gia đình tôi hiện tại cũng không lấy gì làm khấm khá, nếu chỉ giúp đỡ bằng vài ba trăm nghìn đồng thì chẳng thể nào họ thay đổi được, nên tôi chỉ còn biết lấy công sức để giúp họ…”.

Nghĩ là làm, bà đem cái may mắn được học hành của mình ra để giúp những mảnh đời bất hạnh. Hễ nghe thấy ở đâu có người gặp khó khăn, chẳng quản đường sá xa xôi, bà lại lặn lội với hành trình “đi và viết”, đi để gặp cho được những người cần gặp, để được nghe họ kể về những bất hạnh của mình, để được tận mắt thấy những khó khăn và viết để kết nối những sẻ chia của cộng đồng. Dẫu chưa một ngày học trường báo và cũng chẳng biết đến cách viết một bài báo như thế nào cho đúng trình tự, nhưng sau mỗi chuyến đi, bà vẫn hăng say viết, viết tất cả những điều bà nhìn thấy và cảm nhận ở mỗi hoàn cảnh với một mong ước nhỏ nhoi sẽ có những tấm lòng hảo tâm đọc được những câu chuyện ấy. Rồi nỗ lực kết nối sẻ chia của cộng đồng nơi bà Nhật cũng đã được đền đáp khi những bài báo bắt đầu có phản hồi, những địa chỉ khó khăn bắt đầu được giúp đỡ. Đến thời điểm này, sau những hành trình “đi và viết” của bà, đã có hàng chục trường hợp trẻ em bị dị tật bẩm sinh, những gương học sinh nghèo hiếu học, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh. Điển hình như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thuyết, ở thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chị Thuyết từng phải bán máu lấy tiền nuôi 3 con ăn học) đã được Công ty phân bón Bình Điền (Long An) hỗ trợ xây dựng nhà ở trị giá 40 triệu đồng; em Nguyễn Đức Định ở thôn 17A, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (em Định không có hậu môn bẩm sinh) đã được một doanh nghiệp giúp đỡ học nghề và tạo việc làm ổn định; hay trường hợp của bé Sơn ở thôn 1A, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar bị bệnh tim bẩm sinh cũng đã nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm hỗ trợ quà, tiền giúp em có chi phí chữa bệnh; và còn nhiều trường hợp học sinh nghèo hiếu học được nhận học bổng, những gia đình nghèo được nhận Quỹ “Tấm lòng vàng” của Báo Dak Lak…

Dường như vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã làm được, bà còn dự định: “Một thời gian nữa, khi thu xếp xong việc gia đình, tôi sẽ đến ở hẳn với những trẻ em khuyết tật, mồ côi để tham gia cùng mọi người chăm sóc các cháu…”. Nhìn ánh mắt dạt dào niềm tin của bà Nhật khi nói về dự định của mình, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được tấm lòng nhân ái của người phụ nữ ấy.

Mang tiền nhà làm việc xã hội vẫn thấy vui
Bất chấp cái nắng gay gắt giữa mùa khô Tây Nguyên, 70 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của xã Cư Ni, huyện Ea Kar và sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên vẫn hăng say san đất, be bờ, phấn đấu hoàn thành đoạn đường giao thông nội thôn dài gần 3km cho bà con thôn 23 trong tiếng cười đùa giòn tan bởi những câu chuyện tiếu lâm của Bí thư Đoàn xã Nguyễn Đức Ba. Chất giọng Thái Bình đặc sệt, nhưng rất có duyên, anh tiếp tục pha trò bằng những mẩu chuyện hài hước và không quên kèm theo lời động viên “Cố gắng lên các em ơi!”, “Chiều nay là hoàn thành rồi”. Trước khi dùng cơm trưa, mọi người còn được thêm trận cười vỡ bụng, khi Bí thư Đoàn xã góp vui bằng một mẩu chuyện vừa sưu tầm trên báo.

Anh Nguyễn Đức Ba trò chuyện cùng phóng viên Báo Dak Lak.
Anh Nguyễn Đức Ba trò chuyện cùng phóng viên Báo Dak Lak.
Đã có thâm niên hơn 20 năm làm công tác Đoàn nên Bí thư Đoàn xã Cư Ni Nguyễn Đức Ba xông xáo trong tất cả các hoạt động phong trào và có những cách làm sáng tạo để thu hút, tập hợp ĐVTN. Anh hăng say kể về các công việc của Đoàn xã đã thực hiện trong thời gian qua với một niềm đam mê cháy bỏng mà nhiều lúc bản thân anh cũng không lý giải được. Chỉ biết rằng, nếu một ngày không nghĩ đến các hoạt động của Đoàn, không gặp gỡ ĐVTN, anh như thấy mình thiếu một thứ gì đó… Nhiều người, kể cả vợ anh đôi lúc vẫn trách là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi thấy anh mải mê với công việc quên cả thời gian, sức khỏe. Song với anh, một phong trào được gây dựng, một hoạt động được tổ chức thành công cũng đủ để… khỏe cả người. Anh chia sẻ: “Không như những nơi có điều kiện, ĐVTN nông thôn rất ngần ngại tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức. Chính vì vậy, để có nhiều ĐVTN tham gia vào các hoạt động, không ít lần tôi và các anh em trong Ban Chấp hành phải đi bộ cả chục cây số (địa bàn xã Cư Ni rộng, từ đầu xã đến cuối xã dài hơn 20km) đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động. Không biết có phải do thương chúng tôi vất vả, hay vì chúng tôi vận động khéo mà sau vài lần “bị làm phiền”, nhiều ĐVTN đã hưởng ứng các hoạt động của Đoàn. Thực sự, với người làm cán bộ Đoàn, không gì vui bằng khi thấy ĐVTN tích cực hưởng ứng các phong trào và thực hiện nó một cách hiệu quả…”. Khi đã thu hút được ĐVTN tham gia hoạt động Đoàn, việc tổ chức các phong trào, hoạt động cho thanh niên trong khi kinh phí hạn hẹp lại trở  thành thách thức lớn. Để tạo được kinh phí, ngoài nguồn quỹ do ĐVTN đóng góp, anh Ba còn trực tiếp vận động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, thậm chí nhiều khi còn “dốc hết hầu bao” đóng góp toàn bộ tiền lương cán bộ Đoàn của mình rồi huy động thêm tiền của gia đình làm kinh phí tổ chức các hoạt động ở cơ sở. Anh thổ lộ: “Những hoạt động, phong trào bổ ích, hiệu quả sẽ là cầu nối giữa thanh niên với tổ chức Đoàn. Nếu phải bỏ tiền túi của mình mà có được những phong trào như thế, tôi vẫn thấy vui…”.

Bên cạnh đó, nắm bắt được mong muốn có những hoạt động vừa gây dựng phong trào, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình của hầu hết ĐVTN, anh đã mày mò, học hỏi những mô hình kinh tế hay, phù hợp để hướng dẫn cho họ và đứng ra thành lập những tổ đổi công, hùn vốn, làm nghề mỹ nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có cơ hội  khẳng định mình trên con đường lập thân lập nghiệp và hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Không những thế, anh còn gây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình để ĐVTN học tập và làm theo. Nhờ cách làm ấy, phong trào ĐVTN giúp nhau phát triển kinh tế đã lan tỏa rộng khắp, nhiều gương mặt thanh niên làm kinh tế giỏi xuất hiện, những gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi không còn là hiếm thấy ở địa phương…

Liên tục 7 năm liền Đoàn xã Cư Ni được Huyện Đoàn Ea Kar đánh giá là một trong 5 Đoàn cơ sở cấp xã vững mạnh toàn diện. Thành tích này là một sự phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở, trong đó có công sức không nhỏ của Bí thư Nguyễn Đức Ba.

Kim Oanh - Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.