Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Lắk: "Vướng" tiêu chí thủy lợi

13:30, 23/06/2017

Qua hơn 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay huyện Lắk vẫn chưa có xã nào đạt 19/19 tiêu chí. Một trong những nút thắt khiến các xã khó về đích đó là vướng các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó khó khăn nhất là  tiêu chí thủy lợi.

Hồ đập xuống cấp, kênh mương chưa hoàn thiện

Trên địa bàn huyện Lắk hiện có 10 xã thực hiện XDNTM, tính đến hết năm 2016, số tiêu chí đạt được 71/190 tiêu chí, chiếm 37,8%, có 1 xã đạt số tiêu chí cao nhất là 11, thấp nhất là 6 tiêu chí (5 xã). Riêng về tiêu chí thủy lợi mới có 2/10 xã cơ bản đạt là Đắk Nuê, Krông Nô. Theo Phòng NN-PTNT, hiện trên địa bàn huyện có 45 công trình thủy lợi (gồm 10 trạm bơm, 18 đập dâng, 17 hồ chứa) do các tổ hợp tác, HTX và Chi nhánh thủy lợi huyện quản lý. Hầu hết các công trình thuộc loại vừa và nhỏ, hệ thống kênh mương lại chưa hoàn thiện nên mới bảo đảm tưới được 65% diện tích cây trồng có nhu cầu nước. Được biết, hiện Lắk có trên 25.700 ha cây trồng các loại, trong đó cây hằng năm trên 21.000 ha, cây lâu năm trên 4.700 ha. Năm 2016, huyện có trên 2.888 ha cây trồng bị khô hạn do không đủ nước tưới, trong đó lúa nước bị nặng nhất, với trên 1.441 ha.

Người dân ở xã Buôn Triết dùng bao ni lông cuộn thành ống dẫn nước trên các kênh đất để tránh thất thoát nước.
Người dân ở xã Buôn Triết dùng bao ni lông cuộn thành ống dẫn nước trên các kênh đất để tránh thất thoát nước.

Mặc dù thời gian qua, các xã cũng đã tập trung thực hiện tiêu chí thủy lợi bằng việc nạo vét kênh mương; duy tu, sửa chữa công trình... tuy nhiên, việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi ở nhiều xã vẫn còn là thách thức không nhỏ vì phần lớn công trình đang xuống cấp hoặc chưa hoàn thiện, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa còn nhiều, đó là chưa kể những xã cần xây dựng, nâng cấp thêm các công trình để bảo đảm sản xuất. Đơn cử như, đập tràn Đắk Pok Thượng (xã Bông Krang), năng lực thiết kế tưới cho 20 ha lúa  nhưng khai thác thực tế cho 15 ha; hồ chứa Buôn Đung (xã Đắk Phơi), năng lực thiết kế cho 50 ha lúa nhưng khai thác thực tế chỉ tưới cho 20 ha do chưa có hệ thống tưới hoàn chỉnh. Hay hồ chứa Buôn Triết (xã Buôn Triết), năng lực theo thiết kế tưới cho 600 ha nhưng thực tế chỉ tưới cho khoảng 300 ha do hệ thống kênh nội đồng chưa hoàn chỉnh. Mặt khác, hiện vẫn còn rất nhiều xã khó khăn về thủy lợi như Bông Krang, Yang Tao, Ea R’bin, Nam Ka… Đặc biệt là Nam Ka chỉ có duy nhất 1 công trình thủy lợi (hồ chứa Nam Ka) tưới 70 ha, trong khi nhu cầu tưới của cánh đồng là 200 ha, vì vậy bà con chỉ làm lúa được 1 vụ và chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, nguyên nhân là do hệ thống kênh, 4 cầu máng trên kênh N1 và N2 xuống cấp. Hay cánh đồng của 2 xã Yang Tao và Bông Krang có hơn 700 ha cần tưới, công trình thủy lợi cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là công trình nhỏ, đầu tư không đồng bộ nên chỉ tưới được khoảng trên 400 ha…

Ưu tiên đầu tư công trình trọng điểm

Theo Phòng NN-PTNT, đa số các công trình thủy lợi do Chi nhánh Quản lý công trình thủy lợi huyện vận hành, khai thác mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, hằng năm bảo đảm chủ động nước tưới theo năng lực thiết kế được duyệt và đáp ứng nhu cầu sản xuất 2 vụ lúa, hoa màu và cây công nghiệp cho nhân dân vùng hưởng lợi. Tuy nhiên, khi các công trình bàn giao lại cho cấp xã thì việc quản lý, khai thác chưa chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý tu bổ, sửa chữa chưa cao; tình trạng mất mát, hư hỏng cánh cửa van chia nước dọc kênh còn phổ biến; phương án dịch vụ cung ứng nước chưa được xây dựng cụ thể…, dẫn đến hiệu quả khai thác các công trình chưa cao. Trong khi đó, nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới đầu tư cho huyện thấp, do đó không đủ kinh phí để các xã thực hiện tiêu chí thủy lợi. Cụ thể, trong năm 2016, kinh phí hỗ trợ cho huyện gần 16,6 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản trên 15,9 tỷ đồng và phân bổ cho thủy lợi trên 8,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cho 3 công trình, gồm: công trình thủy lợi Đắk Búk (xã Bông Krang), kênh mương nội đồng (xã Đắk Phơi và Ea R’bin). So với nhu cầu thực tế cần thủy lợi để phát triển sản xuất trên địa bàn các xã thì mức đầu tư này không thấm vào đâu...

Để hóa giải khó khăn và từng bước hoàn thành tiêu chí này, năm 2017, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng để phát huy hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ phối hợp với đơn vị chủ quản làm tốt việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, điều tiết nước ở những công trình thủy lợi đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình. Riêng với những công trình đã hư hỏng, xuống cấp hoặc phải đầu tư xây mới đòi hỏi  nguồn vốn lớn hiện vẫn là một bài toán khó đối với huyện...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc