Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản thế mạnh huyện Ea Súp

10:12, 21/06/2016
Không có lợi thế để phát triển các cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên như cà phê, tiêu nhưng thổ nhưỡng, nguồn nước của Ea Súp lại phù hợp để đẩy mạnh phát triển nhiều loại cây, con như xoài, lúa và cá thác lát... 
 
Thực tế những năm qua, việc trồng xoài, lúa ở Ea Súp đã cho sản lượng khá cao. Từ miền Tây lên Đắk Lắk lập nghiệp và sau nhiều năm chọn xoài làm cây trồng để phát triển kinh tế gia đình, bà Nguyễn Thị Tìa (Công ty TNHH Phát Đạt, xã Cư M’lan) khẳng định, loại cây này rất hợp với thổ nhưỡng Ea Súp. Bén duyên với cây xoài từ năm 2012, ở Ea Súp bây giờ bà Tìa được coi là chủ vựa xoài lớn nhất, nhì ở đây. Trên diện tích 20 ha được bà đầu tư trồng các giống xoài ghép như Thái, Đài Loan, cát Hòa Lộc, hiện đã có 10 ha cho thu nhập với sản lượng đạt 100 tấn/năm. Giá bán ra vào chính vụ đạt 40.000-60.000/kg (tùy loại) vào trái vụ và khoảng 20.000-25.000 đồng/kg thời điểm chính vụ. Theo kế hoạch, thời gian tới bà sẽ mở rộng diện tích lên 100 ha để trồng loại cây này. Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở Ea Súp đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng xoài, chú trọng đến chất lượng, hình thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Được biết, toàn huyện có 300 ha trồng xoài, sản lượng đạt 7.000 tấn/năm, bao gồm các giống xoài cát địa phương, cát Hòa Lộc, Úc, Đài Loan, Thái, xoài bốn mùa… 
Cơ quan chức năng khảo sát, tìm hiểu đầu ra cho sản phẩm tại Nhà máy xay xát gạo Lộc Phát (Ea Súp).
Cơ quan chức năng khảo sát, tìm hiểu đầu ra cho sản phẩm tại Nhà máy xay xát gạo Lộc Phát (Ea Súp).

Không chịu kém cạnh, gạo Ea Súp cũng chiếm được cảm tình của nhiều NTD bởi độ dẻo, thơm, ngon mà ít nơi nào có được. Đáng nói hơn, gạo do nơi đây làm ra không hề qua bất cứ quy trình chà bóng, không chất bảo quản nên được nhiều người lựa chọn thay vì mua các loại gạo từ các vùng khác chở lên như trước đây. Chị Nguyễn Thị Phương Lan, chủ nhà máy xay xát gạo Lộc Phát (xã Cư M’lan) chia sẻ, mỗi tháng nhà máy chế biến khoảng 700 tấn, thời điểm chính vụ thì lên đến 1.000 tấn, chủ yếu cung ứng cho các đại lý gạo trong tỉnh và một số thành phố khác như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn huyện cũng có hơn 4.200 ha lúa, 51 cơ sở xay xát lương thực. Những năm gần đây, nhiều nông dân trong huyện đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa vào canh tác những giống lúa có khả năng chống chịu hạn tốt như Ma lâm 35-48, OM 49-00, NA2… cho năng suất cao, đạt khoảng 69 tạ/ha vụ đông xuân và 55-60 tạ/ha vụ hè thu; chất lượng gạo cũng đạt độ dẻo, thơm và được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. 

Thương hiệu nông sản cần nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, nguồn vốn, đầu vào, đầu ra của sản phẩm… Đây cũng là điều huyện đang rất quan tâm và kêu gọi phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai để người dân định hướng sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì bên cạnh việc đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm thì cũng rất có sự hỗ trợ cho nông dân về nguồn vốn, cây giống, kỹ thuật và cách xây dựng thị trường…
 
(Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp)

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản này trên thị trường là khá cao nhưng sản phẩm do nông dân trong tỉnh làm ra vẫn chưa có chỗ đứng vững. Hầu hết nông dân và DN cũng phải tự tìm đầu mối lo đầu ra cho sản phẩm của mình. Trong đó, một phần bán ra các chợ lẻ, phần lớn được thu mua qua thương lái, cho nên việc tiêu thụ không ổn định và tình trạng rớt giá vào chính vụ là điều khó tránh khỏi. Theo bà Tìa, có thời điểm, xoài Ea Súp được mùa nhưng giá bán chỉ khoảng 2.000 đồng/kg nên người dân không buồn thu hoạch. Song, hai năm trở lại đây, đầu ra đã khá thuận lợi, thương lái đến tận vườn để thu mua. Thế nhưng, điều làm nhà vườn như bà chưa mấy vui là giá chỉ bằng hơn một nửa so với giá thị trường và bị phụ thuộc vào thương lái. Dễ thấy nhất qua mùa xoài năm nay, xoài Ea Súp đã ngót mùa thu hoạch, theo nhiều nhà vườn, giá giữ tương đối ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân khoảng 25.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 40% so với mọi năm, tuy nhiên, năng suất bị sụt giảm khoảng 30%. 

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc tiêu thụ nông sản thế mạnh của Ea Súp vẫn bấp bênh do thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức; đáng quan ngại hơn, sản phẩm làm ra khó truy được nguồn gốc, xuất xứ do chưa được chứng nhận sản phẩm sạch nên giá trị gia tăng chưa tương xứng. Đơn cử như lúa Ea Súp không chỉ được sản xuất theo đúng quy trình bảo đảm chất lượng mà còn việc chế biến cũng được các nhà máy trên địa bàn xay xát  rồi  chở đi tiêu thụ chứ không hề qua bất cứ công đoạn xử lý, đánh bóng, tẩm chất bảo quản gì nên loại gạo này khi nấu thành cơm có mùi thơm và vị ngọt đặc trưng, bảo đảm độ an toàn cho người sử dụng. Đây đang là xu hướng lựa chọn của nhiều NTD. Thế nhưng, giá bán ra chỉ ở tầm 9.000-9.500 đồng/kg, thấp hơn những loại gạo khác trên thị trường. Gạo Lộc Phát là một trong những sản phẩm của Ea Súp được nhiều người biết đến và tiêu thụ với số lượng lớn nhưng bao bì vẫn thô sơ do chủ cơ sở chế biến tự in ấn thủ công chủ yếu để cho NTD biết được xuất xứ ở đâu chứ chưa hề đăng ký nhãn mác, thương hiệu từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền.
 
Góp phần thúc đẩy vấn đề đầu ra cho nông sản thế mạnh của địa phương này, vừa qua Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham quan thực tế, nắm tình hình cung ứng, đầu ra tại một số nhà vườn trồng xoài, nhà máy xay xát gạo và tổ chức ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các nhà vườn, DN tại huyện Ea Súp với một số nhà phân phối, bán buôn trên địa bàn tỉnh. Ông Đoàn Thượng Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho hay, việc xây dựng thương hiệu nông sản Ea Súp và khẳng định giá trị của những sản phẩm này là hết sức cần thiết. Điều này giúp người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp cận được thị trường, tạo ra  những sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp thì thương hiệu nông sản cần nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, nguồn vốn, đầu vào, đầu ra của sản phẩm… Đây cũng là điều huyện đang rất quan tâm và kêu gọi phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai để người dân định hướng sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì bên cạnh việc đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm thì cũng rất có sự hỗ trợ cho nông dân về nguồn vốn, cây giống, kỹ thuật và cách xây dựng thị trường…
 
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc