Multimedia Đọc Báo in

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Dak Lak: Chú trọng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng

10:58, 25/03/2014

Những năm qua, Dak Lak đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Thế nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra phổ biến.

Từ ngày 1-7-2011 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, là công cụ mạnh mẽ và cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD, tạo tâm lý yên tâm khi trao đổi, mua bán hàng hóa trên thị trường. Luật này quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.

Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh: trong năm 2013 có trên 4.000 vụ vi phạm quyền lợi NTD thuộc các lĩnh vực. Trong đó tập trung chủ yếu ở các hành vi như: kinh doanh không đạt tiêu chuẩn, không có giấy chứng nhận đăng ký; hàng hóa, nhãn mác ghi không đúng nội dung bắt buộc; không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng không có đơn chứng từ. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng khá phổ biến như phương tiện đo lường hết hiệu lực kiểm định, hàng hóa kém chất lượng, không trưng bày bộ ca đong để NTD đối chứng. Theo báo cáo của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, trong năm 2013 có 22 vụ do NTD trực tiếp nộp đơn khiếu nại đến Hội, trong đó có đến 16 vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa, 2 vụ về chất lượng dịch vụ…, giá trị tài sản qua các vụ khiếu nại 2,5 tỷ đồng.

Mặc dù Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực từ 2011 đến nay, nhưng ít được NTD quan tâm.
Mặc dù Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực từ 2011 đến nay, nhưng ít được NTD quan tâm.

Trước tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra thường xuyên, mức độ ngày càng nghiêm trọng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã chú trọng đến công tác giải quyết khiếu nại của NTD. Trong đó, vào tháng 3-2013, ông Đ.V.K (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) khiếu nại về việc mua điện thoại Lumia tại cửa hàng Thế giới di động, khi sử dụng không bảo đảm chất lượng. Hội đã tổ chức làm việc với đại diện cửa hàng và NTD, kết quả cửa hàng đã trả lại số tiền mua điện thoại cho NTD. Tại thị xã Buôn Hồ, ông P.T.T khiếu nại về việc mua ti vi tại siêu thị Nguyễn Kim, khi sử dụng gặp sự cố màn hình bị sọc không khắc phục được, Hội đã tổ chức buổi hòa giải giữa các bên, kết quả siêu thị Nguyễn Kim cùng với đơn vị sản xuất đã đồng ý thay lại màn hình mới đúng chất lượng cho NTD. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, ngoài thẩm quyền, Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc, bảo vệ quyền lợi NTD. Chẳng hạn, trong vụ khiếu nại của bà Đ.T.K.A (phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) về việc xe ô tô du lịch loại 5 chỗ của bà trong thời gian bảo hành, sửa chữa tại Năm Châu Duy Nhất, phát hiện đánh tráo phụ tùng và bên bán xe không giao đầy đủ giấy tờ xe cho bên mua. Nhận thấy đây là vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bên bán, Hội đã tư vấn, chuyển hồ sơ đến Tòa án TP. Buôn Ma Thuột yêu cầu giải quyết. Trong một vụ việc khác, NTD phản ánh qua điện thoại về cửa hàng số 24, đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) bán hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, khi NTD góp ý thì tỏ thái độ không tôn trọng. Để giải quyết việc này, Hội đã có công văn đề nghị Chi cục Quản lý thị trường xác minh và có biện pháp xử lý. Kết quả, sau kiểm tra, Chi cục đã thu hồi 68 bịch sữa tươi, 12 hộp ô mai, 2 thùng nước cam (đều là hàng quá hạn sử dụng), phạt vi phạm hành chính cửa hàng 1,5 triệu đồng.

Đó mới chỉ là những con số, vụ việc rất nhỏ so với hàng ngàn vụ việc khiếu nại liên quan đến quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh. Điều đáng tiếc là ở chừng mực nào đấy, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự thu hút các đối tượng tham gia. Nguyên nhân do là nguồn kinh phí còn quá ít ỏi, trong khi đó các chi hội cơ sở thiếu nhân lực chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm nên một số hoạt động thiếu chiều sâu, không sát với thực tế. Còn về phía NTD, dù quyền lợi bị vi phạm nhưng phần lớn họ đều có chung tâm lý ngại lên tiếng, ngại khiếu nại. Còn đối với doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa chưa thực sự quan tâm đến hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, có chăng chỉ là đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc