Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo): Rừng cộng đồng bị chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy trái phép

08:19, 10/09/2013

Hàng trăm héc ta rừng cộng đồng bị chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy trái phép; hơn 100 hộ dân ngang nhiên làm chòi, nhà ở trái phép trong diện tích rừng bị xâm hại; một số vụ việc mâu thuẫn giữa các đối tượng xâm chiếm rừng trái phép với những hộ nhận khoán quản lý rừng… Đó là một số vấn đề “nóng” đã và đang diễn ra, liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng trên địa bàn xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo).

Gần hàng trăm héc ta rừng cộng đồng thuộc Tiểu khu 103 nay biến thành đất làm nhà ở và rẫy cà phê chè.
Gần hàng trăm héc ta rừng cộng đồng thuộc Tiểu khu 103 nay biến thành đất làm nhà ở và rẫy cà phê chè.

Ngày 26-9, UBND huyện Ea H’leo ra Quyết định số 1.794- QĐ/UB, giao 4 tiểu khu rừng tự nhiên (gồm các tiểu khu: 87, 95, 103, 110 với tổng diện tích là 1.081 ha) cho 21 nhóm hộ gia đình ở buôn Bia, buôn Krái, thôn 9A, 9B và thôn 10 của xã Ea Hiao quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; thời hạn giao là 50 năm. Trong quá trình giao - nhận, giữa UBND huyện Ea H’leo và nhóm hộ, từng thành viên trong nhóm đã có khế ước, cam kết cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm sau khi được giao rừng. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với mong muốn của người nhận rừng trên địa bàn cũng như quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý, giao đất, giao rừng cho cá nhân, tập thể nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng trước mắt cũng như về lâu dài. Mặc khác, nếu được quản lý và bảo vệ tốt, 1.081 ha rừng tự nhiên này còn đảm trách chức năng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất và điều tiết nguồn nước cho dòng suối Ea Hiao…

Thế nhưng sau khi giao cho đến nay, 4 tiểu khu rừng cộng đồng ở xã Ea Hiao đã bị chặt phá, lấn chiếm trái phép khá nghiêm trọng. Cao điểm là từ mùa khô năm 2006 trở lại đây, mỗi ngày có đến hàng chục người dân ở các xã: Ea Tó, Ea Tân, Đliê Ya, Phú Lộc (huyện Krông Năng) đến 4 tiểu khu rừng cộng đồng xã Ea Hiao chặt phá, xâm chiếm rừng với nhiều mục đích. Sau  khi  triệt hạ cây rừng, loại nào lấy gỗ được thì họ xẻ thành phẩm đưa về nhà, không dùng được thì gom thành đống đốt thành tro lấy đất trồng cà phê, hoa màu các loại… Theo báo cáo số 01 ngày 15-8-2013 của UBND xã Ea Hiao, trên 4 tiểu khu rừng cộng đồng giao cho 21 nhóm hộ đã bị chặt phá và xâm chiếm trái phép 118,2 ha; có hơn 100 hộ vi phạm là người dân đến từ huyện Krông Năng và họ ngang nhiên làm chòi, nhà ở trái phép trong diện tích rừng bị xâm hại nói trên; trong đó Tiểu khu 85 có 20 hộ, xâm chiếm 9,89 ha; Tiểu khu 95 có 33 hộ, xâm chiếm 29,5 ha; Tiểu khu 103 có 42 hộ, xâm chiếm 52,61 ha; Tiểu khu 110 có 6 hộ, xâm chiếm 5,7 ha. Đây là số hộ làm nhà định cư trái phép và diện tích rừng đã mất trên các tiểu khu mà chính quyền xã Ea Hiao cùng đại diện nhóm hộ nhận rừng đã lập biên bản, thống kê cụ thể. Song, những diện tích rừng đã bị “bốc hơi”, số hộ vi phạm lâm luật ở 4 tiểu khu rừng cộng đồng mà chủ rừng ¬¬¬chưa bắt quả tang, chính quyền chưa đo đạc và thống kê đầy đủ thì còn lớn hơn gấp nhiều lần như thế. Điển hình như Tiểu khu 103 có tổng diện tích là 190,5 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi cùng ông Đặng Văn Lập, cán bộ địa chính xã Ea Hiao vào lúc 10 giờ sáng ngày 4-9 vừa qua, thì Tiểu khu 103 đã bị chặt “trắng”, hầu như bị “xóa sổ” hoàn toàn vì không còn cây rừng, mà chỉ thấy bạt ngàn cà phê chè trồng từ 1-2 năm cũng như nhiều chòi rẫy, nhà ở trái phép của đối tượng phá rừng. “Đội quân” tham gia xâm hại rừng cộng đồng xã Ea Hiao chủ yếu là người dân các xã giáp ranh ở huyện Krông Năng và dân di cư tự do ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Có hộ phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp chỉ vì miếng cơm manh áo trước mắt; nhưng cũng có người cố tình phá rừng nhằm mục đích lấy đất trồng màu vài vụ, rồi sang nhượng qua tay cho người khác thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng/ha. Hành vi của họ rõ ràng không chỉ xâm hại trực tiếp đến tài nguyên rừng của địa phương mà còn gây nhiều khó khăn, phức tạp cho chính quyền xã Ea Hiao trong công tác quản lý nhà nước về rừng cũng như giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng do mâu thuẫn trong việc xâm chiếm rừng và đất rừng cộng đồng trái phép giữa một số đối tượng ở huyện Krông Năng với những hộ nhận khoán quản rừng ở xã Ea Hiao, chiều ngày 13-7-2012, anh Trần Văn Biên (SN 1981) và chị Trần Thị Diện (SN 1976) ở thôn 9B đã bị 2 tên: Trần Văn Ninh và Hoàng Văn Học (ở xã Đliê Ya) dùng súng tự chế bắn trọng thương. Vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Qua đây đã cho thấy thực trạng xâm chiếm rừng cộng đồng ở xã Ea Hiao thời gian qua cũng như hiện nay đang là vấn đề “nóng”, phức tạp, đáng quan tâm và cần có biện pháp xử lý hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Tiểu khu 85 được giao cho các nhóm hộ đồng bào buôn K’rái,  nhiều chỗ đã bị phá trắng như thế này.
Tiểu khu 85 được giao cho các nhóm hộ đồng bào buôn K’rái, nhiều chỗ đã bị phá trắng như thế này.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến rừng cộng đồng của địa phương bị xâm hại nghiêm trọng, ông Kpă Y Tốp, Chủ tịch UBND xã Ea Hiao cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhóm hộ và từng thành viên trong nhóm nhận khoán quản lý rừng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ các lâm phần được giao, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi chặt phá, xâm chiếm đất rừng ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Mặc khác, diện tích rừng khoán quản nằm quá xa khu dân cư, đường đi tuần tra rất khó khăn, trở ngại trong khi người nhận rừng thiếu nhiều thứ. Và nguyên nhân nữa là 4 tiểu khu rừng cộng đồng giao cho 21 nhóm hộ là rừng nghèo, bà con chưa thụ hưởng lợi ích kinh tế từ rừng nên không mặn mà trong việc giữ rừng. Bên cạnh đó nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân di cư tự do trong và ngoài địa phương tăng cao, họ cố tình tìm mọi cách xâm  chiếm rừng nhằm mưu lợi riêng. Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, tham mưu, hỗ trợ giúp nhóm hộ, chính quyền xã kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý người vi phạm lâm luật… từ đó dẫn đến nạn phá rừng cộng đồng xã Ea Hiao như “cha chung không ai khóc”.

Rõ ràng, nếu không có biện pháp kiên quyết để xử lý thì chắc rằng thời gian không xa, nhiều diện tích rừng cộng đồng nói trên sẽ tiếp tục bị “cạo trọc”, biến thành rẫy cà phê, nương mì, đất thổ cư của nhiều hộ dân; rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước bị chiếm dụng, mua bán trái phép; công tác quản lý đất đai, trật tự an toàn xã hội ở địa phương phức tạp, xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực khó lường…

 Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc