Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Hiao (Ea H’leo): “Nặng gánh” về các tiêu chí kết cấu hạ tầng cơ sở

08:16, 06/11/2012

Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, qua kết qủa rà soát, đánh giá, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) mới đạt được 2 tiêu chí. Với con số này, Ea Hiao còn “nặng gánh” trên lộ trình trở thành xã nông thôn mới vào năm 2020, trong đó khó khăn nhất là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng cơ sở khi đây là địa phương có tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa thấp nhất của huyện Ea H’leo.

Hai tiêu chí mà Ea Hiao đạt được theo yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới là tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí 18 về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội. Xác định đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố quan trọng, là lực lượng vận hành công tác cải cách hành chính, theo đó UBND xã luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc tuyển dụng được thực hiện công khai; công tác  quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công chức được bảo đảm đúng quy định. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Về hình thức tổ chức sản xuất, toàn xã có 19 trang trại, 2 HTX, 2 công ty TNHH, 8 doanh nghiệp và 262 hộ kinh doanh cá thể. Nhìn chung các doanh nghiệp, trang trại, HTX hoạt động có hiệu qủa, giải quyết tốt việc cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm địa phương làm ra, sử dụng nguồn nhân lực của địa phương là chủ yếu.

Với 16 tiêu chí còn lại chưa đạt theo chuẩn của chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiao Nguyễn Xuân Trọng, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về giao thông. Hệ thống giao thông trên địa bàn hiện đã cơ bản hình thành khá liên hoàn, đáp ứng được nhu cầu lưu thông giữa các thôn, buôn trong xã và giữa Ea Hiao với các xã khác. Tuy nhiên, đường đi vào các thôn, buôn phần lớn là đường đất và cấp phối, theo đó nắng bụi về mùa khô và đặc biệt lầy lội về mùa mưa, khiến nhiều đoạn đường bị ổ voi, ổ gà, xuống cấp nghiêm trọng. Đường được cứng hóa, nhựa hóa trên địa bàn chiếm tỷ lệ rất thấp. Điển hình như tuyến đường có mật độ tham gia giao thông cao nhất của xã, dài 18 km từ trung tâm huyện vào trung tâm xã, chủ yếu vẫn là đường đất. 21 km đường xã, liên xã vẫn chưa được bê tông nhựa hóa; 32,6 km đường thôn, xóm, nhựa hóa mới được 4 km, đạt tỷ lệ 8,3%; 12 km đường ngõ xóm, chưa có ki-lô-mét nào được nhựa hóa, trong đó có 3 km đã bị hỏng. Hằng năm xã đã trích ngân sách và huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để nâng cấp, tu sửa nhiều tuyến đường nhưng không khắc phục được triệt để nhất là sau mỗi mùa mưa. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương trên địa bàn.

Một tiêu chí nữa cũng rất vất vả để đạt chuẩn là về thuỷ lợi. Toàn xã có 7 đập thuỷ lợi được đầu tư xây dựng từ các năm 2000, 2003, 2004 với tổng năng lực tưới theo thiết kế khoảng 500 ha cà phê. Nhưng thực tế, các công trình mới chỉ đáp ứng nhu cầu tưới được 15% diện tích cây lâu năm. 75% diện tích còn lại nhân dân phải đào giếng hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó, mực nước ngầm ngày càng suy giảm, trên địa bàn xã cũng chưa có hệ thống kênh mương tưới tiêu. Theo đó, việc canh tác, sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. So với chỉ tiêu về thuỷ lợi của chương trình xây dựng nông thôn mới, Ea Hiao mới đạt 25%.

Theo đề án đã được phê duyệt, đến năm 2020, Ea Hiao cơ bản đạt chuẩn về xây dựng nông mới với tổng kinh phí đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Các tiêu chí đã được địa phương xây dựng lộ trình cụ thể: đến hết năm 2012 hoàn thành tiêu chí đối với lĩnh vực quy hoạch, hết năm 2013 là điện, chợ nông thôn; năm 2014 là môi trường, bưu điện, giáo dục, y tế, an ninh trật tự xã hội; năm 2015 là trường học, thu nhập hộ nghèo, cơ cấu lao động, văn hóa; năm 2017 là cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư; năm 2018 là lĩnh vực giao thông và năm 2020 là thuỷ lợi. Ngoài ra, Ea Hiao sẽ tiếp tục củng cố đối với hai tiêu chí hiện đã đạt là hình thức tổ chức sản xuất và  hệ thống tổ chức chính trị - xã hội.

Quan điểm của Ea Hiao để đạt chuẩn nông thôn mới là chủ yếu dựa trên cơ sở phát huy nội lực của nhân dân đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước và các nguồn lực đầu tư bên ngoài. Điều này đã được thể hiện rõ khi trong tổng cơ cấu nguồn kinh phí để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn huy động từ người dân và các doanh nghiệp là gần 1.400 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 56%. Tuy nhiên với hiện trạng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó nổi lên là vấn đề kết cấu hạ tầng như hiện nay, đây thực sự là một bài toán không đơn giản. Toàn xã có 23 thôn, buôn trong đó có 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Mật độ dân số phân bố không đồng đều; đường giao thông nông thôn không đạt chuẩn, các khu vực lầy lội lại ở những vùng dân cư nghèo nên rất khó có khả năng đóng góp bằng tiền để xây dựng. Theo đó với quan điểm trên, để huy động nguồn lực trong dân, việc xây dựng quỹ đối ứng của xã là cần thiết, tạo cơ sở thuận lợi để chính quyền địa phương có phần chủ động trong triển khai, thực hiện cũng như tuyên truyền và vận động nhân dân. Quỹ đối ứng này có thể được xây dựng, bổ sung trên cơ sở vận động những gia đình có thu nhập trung bình và khá đóng góp; tổ chức và phân công lao động hợp lý nhất là lao động phổ thông và các loại phương tiện chuyên dùng sẵn có của địa phương tham gia xây dựng các công trình. Bên cạnh đó, huy động lao động công ích trên cơ sở phát động phong trào thi đua, vận động toàn dân đóng góp công sức cùng làm các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc