Multimedia Đọc Báo in

CPI tháng 9 đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua

09:06, 25/09/2012

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng 2,2%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5-2011.

Đặt trong bối cảnh chỉ vài tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng còn duy trì mức giảm liên tiếp, diễn biến CPI trong tháng 9 một lần nữa khẳng định, vấn đề luôn phải đối đầu của nền kinh tế Việt Nam chính là lạm phát.

CPI tháng 9-2012 so với cùng kỳ đã tăng lên mức 6,48%, đẩy mức 5,04% vào tháng trước trở thành đáy lạm phát theo năm, sớm hơn 1 tháng so với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế.

Đáng chú ý nhất là mức so sánh với cuối năm ngoái đã tăng mạnh từ 2,86% của tháng trước lên 5,13% tại tháng này, cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Con số này đang “đe dọa” mức lạm phát cả năm 8%. Bởi lẽ, diễn biến CPI luôn có quán tính.

Theo các công bố mới nhất, tăng trưởng tín dụng cho tới cuối tháng 8-2012 mới tăng 1,4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra và so với diễn biến thực tế của giai đoạn trước.

Cho nên, biểu hiện dễ thấy là nếu loại trừ các nhóm có điều chỉnh giá đột biến thì CPI của “phần còn lại” như đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồng dùng gia đình… đều có xu hướng giảm tốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong tháng này, ghi nhận mức tăng “khủng khiếp”, vượt qua một chữ số của hai nhóm hàng hóa, đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 17,02% so tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 23,87% và nhóm giáo dục cũng tăng tới 10,54%. Nguyên nhân chính khiến hai nhóm hàng hóa này tăng đột biến là do việc áp dụng giá viện phí mới tại hầu hết các tỉnh thành trong tháng 9 và tháng này cũng là thời điểm của mùa khai trường. Chưa hết, tác động từ việc tăng giá xăng dầu nhiều lần trong kỳ tính giá tháng này cũng đã mạnh hơn. Tính chung cả nhóm giao thông và nhà ở, vật liệu xây dựng thì mức tác động lên CPI tháng này vào khoảng 5,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, tăng giá xăng dầu vẫn còn chưa vào hết CPI, dự kiến sẽ còn tác động trong khoảng 1-2 tháng nữa, nếu không có các diễn biến trái chiều làm nhẹ bớt sức ảnh hưởng. Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua, chi phí ở nhóm giao thông cũng tăng mạnh lên 3,83% so tháng 8.

Xét cả ở quán tính lạm phát, những nhân tố tác động lớn và vẫn còn nguy cơ ở các tháng tới, khả năng lạm phát “bùng” trở lại vẫn còn mà mức tăng CPI tới 2,2% ở tháng này là một cảnh báo thực sự.

Chỉ số giá vàng tháng này cũng tăng tới 5,25% so với tháng trước, mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây; chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,06% sau hai tháng trước đó giảm.

G.T (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc