Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý giữa giá nhiên liệu và giá cước vận tải

05:07, 13/07/2012

Sau các lần tăng giá nhiên liệu, rất nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã có sự điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, sau 5 lần liên tiếp Bộ Tài chính giảm giá bán lẻ xăng, dầu, với mức giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu diezen, thì giá cước vận tải lại tăng lên, gây bức xúc cho người dân.

Mặc dù  giá xăng, dầu đã
Mặc dù giá xăng, dầu đã "hạ nhiệt", nhưng giá vé xe buýt vẫn không có dấu hiệu giảm.

Với hy vọng sau các đợt giảm giá xăng, dầu, giá vé vận tải sẽ có chiều hướng giảm xuống, đỡ phần nào chi phí trong việc đưa con đi thi đại học, nhưng anh N.Đ.X (huyện Cư Kuin) vẫn không ngờ rằng giá vé lại tăng lên rất cao, khiến cho đến giờ anh vẫn còn bức xúc. Anh chia sẻ: thời điểm trước kỳ thi đại học, giá vé xe chất lượng cao vào TP.Hồ Chí Minh chỉ dao động trong khoảng trên dưới 200.000, nhưng khi 2 bố con anh “khăn gói” vào nam đi thi, trên chuyến xe khách giường nằm của Công ty Cổ phần ô tô Dak Lak, anh phải trả với giá vé 300.000 đồng/giường (tăng 40%) so với mức giá cũ. Như vậy, trên hành trình đưa con vào TP.Hồ Chí Minh đi thi, anh X. phải bỏ thêm khoảng 200.000 đồng cho chi phí đi lại. Ngoài chủ xe nói trên, một số doanh nghiệp (DN) khác cũng có sự điều chỉnh tăng giá vé lên 30% như tại HTX Vận tải Krông Ana (huyện Krông Ana): bắt đầu từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, đối với xe giường nằm tăng từ 210.000đ lên 280.000đ, đối với loại ghế ngả lưng tăng từ 180.00đ lên 230.000đ, với xe 30 chỗ ngồi tăng từ 170.000đ lên 220.000đ đồng. Còn tại Xí nghiệp Vận tải Thành Công (TP.Buôn Ma Thuột) giá vé tăng từ 10,7% đến 21,4%, theo đó đối với xe chất lượng loại 3 tăng từ 140.000đ lên 150.000đ, đối với xe chất lượng loại 2 tăng từ 140.000đ lên 170.000đ trên tuyến Dak Lak – TP.Hồ Chí Minh… Không riêng gì tuyến Dak Lak – TP.Hồ Chí Minh, mà hầu hết các tuyến xe khách đường dài đều có kế hoạch tăng giá vé từ 10% đến 13% trên các tuyến xuất phát từ Dak Lak đến các tỉnh thành khác như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, …

Mặc dù số lần tăng giá vé không liên tục so với các tuyến xe khách đường dài, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vé nhiều tuyến xe buýt nội tỉnh vẫn “đứng im” trước sự giảm giá xăng, dầu. Ngoại trừ một số tuyến như: Buôn Ma Thuột - Cư M’gar, Đạt Lý - Cư Jút, Buôn Ma Thuột - Buôn Trấp, Buôn Ma Thuột - Dak Mil,… thuộc Công ty Cổ phần xe khách Dak Lak và Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak (TP.Buôn Ma Thuột) có giảm với khách đi vé tháng và quý. Theo lý giải của ông Phạm Văn Mạnh, Chủ nhiệm HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp), sở dĩ đợt này đơn vị không điều chỉnh giá vé vì thực chất các đợt tăng giá nhiên liệu trước, DN không tăng giá vé nên khi xăng, dầu giảm giá đương nhiên giá vé cũng… không thay đổi. Thực tế, sau đợt tăng giá xăng, dầu vào đầu tháng 3-2012, nhiều DN kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tăng giá vé, dao động trong khoảng 5 – 8%. Còn theo ông N.T.Đ, Chủ nhiệm một đơn vị vận tải tại huyện Krông Pak: mặc dù giá nhiên liệu giảm nhiều lần, nhưng rất nhỏ giọt, trong khi giá phụ tùng thay thế tăng lên 15%, nên đơn vị không thể điều chỉnh giảm giá vé.

Để giải thích cho việc tăng giá vé, các DN vận tải đưa ra nhiều lý do như: phải phụ thu để tăng cường kinh phí cho xe trái tuyến, bù xe chạy rỗng một chiều, rồi đến giá cả vật tư, phụ tùng ô tô, phí cầu đường, lương nhân công đều tăng… Điều đáng nói ở đây… trong khi DN có đủ cớ để tăng giá cước thì mọi gánh nặng chi phí lại đổ lên đầu người dân và họ buộc phải chấp nhận thực tế đó. Tuy nhiên, trước sự hạ nhiệt của giá nhiên liệu, nếu DN vận tải không tự điều chỉnh giá vé phù hợp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của mình.

Nhằm kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng, Bộ Tài chính vừa có công văn số 8078 /BTC-QLG, về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá thị trường sau khi giảm giá xăng, dầu và gas. Theo đó, Bộ đề nghị các sở tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các DN kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng, dầu đã điều chỉnh giảm; thực hiện giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của các DN sản xuất kinh doanh đối với những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của biến động giá do yếu tố đầu vào. Hy vọng, sau khi công văn được triển khai trong thực tế, người tiêu dùng nói chung và hành khách tham gia các phương tiện vận tải nói riêng sẽ đỡ được phần thiệt thòi…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc