Multimedia Đọc Báo in

Vẫn “nóng” từ câu chuyện giá thuê đất tăng cao

06:43, 16/07/2011

Câu chuyện giá thuê đất với mức điều chỉnh tăng, dao động từ 3,3 lần đến 15 lần so với đơn giá trước đó được đề cập, phản ánh trên nhiều diễn đàn gần đây. Doanh nghiệp – một trong những đối tượng điều chỉnh kêu trời về giá thuê đất ngất ngưởng, còn chính quyền, cơ quan chức năng thì đang phải thực sự bình tâm lắng nghe, chia sẻ, nắm bắt bởi trong câu chuyện này nhiều nút thắt vượt ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương…

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (chi nhánh Dak Lak) - một trong các doanh nghiệp thuê đất đề nghị điều chỉnh cách tính thuế đất phù hợp hơn. (Ảnh: G.T)
Việc điều chỉnh giá thuê đất được coi là một trong những giải pháp góp phần siết chặt, nâng cao hiệu quả quản lý đất công. Tuy nhiên theo doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp khi áp dụng quy định này. (Ảnh: L.N)

Lý lẽ của doanh nghiệp
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần 1 năm 2011 do UBND tỉnh Dak Lak tổ chức ngày 23-6, 25 ý kiến của doanh nghiệp với 58 nội dung gửi đến Hội nghị, trong đó các vấn đề chủ yếu được đề cập là vốn vay ngân hàng, vốn xây dựng cơ bản và đặc biệt có đến 2/3 ý kiến liên quan đến giá thuê đất. Theo hầu hết phản ánh của doanh nghiệp, thực hiện Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 “về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước” một số doanh nghiệp thuê đất gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tiền thuê đất tăng.

Theo Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, Công ty là đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí nên cần sử dụng diện tích đất lớn để tạo cảnh quan, trồng cây xanh, thảm cỏ, lối đi để tạo môi trường xanh (chiếm 70% diện tích đất sử dụng), trong khi diện tích sử dụng cho hạng mục xây dựng các công trình chỉ chiếm khoảng 30%. Năm 2011 số tiền thuê đất Công ty phải nộp tăng lên quá cao so với năm 2010 (gấp 10,5 lần, tương ứng với số tiền trên 9,38 tỷ đồng). Công ty đề nghị cần xem xét điều chỉnh cách tính hệ số thuê đất đối với loại hình kinh doanh du lịch cho phù hợp, cần xét đến yếu tố đặc thù của ngành du lịch và mục đích sử dụng đất để áp dụng hệ số đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển. Cũng với lý lẽ này, Công ty Cổ phần Văn hóa Dak Lak luận giải rằng Công ty được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước năm 2005, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh sách, văn hóa phẩm nên giá bán các sản phẩm phải thực hiện theo giá cố định đã được niêm yết (giá bìa) do đó không thể tăng giá bán để bù vào chi phí khác. Hiện tại, Công ty đang thiếu nguồn vốn đầu tư mở rộng trong khi lãi vay ngân hàng, các chi phí khác đều tăng cao trong đó có chi phí thuê đất.

Với lý do tốc độ trượt giá quá lớn, Công ty Cổ phần May Dak Lak kiến nghị: Năm 2011 tình hình giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa tăng vọt làm cho chi phí sản xuất tăng theo, tiền lương của công nhân có tăng lên nhưng không đáng kể so với tốc độ trượt giá nên đã làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Giá tiền thuê đất năm 2011 tăng lên đột biến so với năm 2010 (riêng Công ty tăng lên 8,75 lần) ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống người lao động. Việc tăng giá thuê đất đột biến như trên làm cho Công ty không có khả năng nộp tiền thuê đất năm 2011 và những năm tiếp theo. Công ty kiến nghị xem xét lại giá tiền thuê đất hợp lý giúp doanh nghiệp phát triển và ổn định đời sống người lao động.

Cần xem xét lại cách tính toán giá đất và tỷ lệ phần trăm tiền thuê đất khác với đất sản xuất kinh doanh, đó là ý kiến của Công ty Cổ phần Xây dựng Dak Lak. Công ty được UBND tỉnh cho thuê 3 vị trí đất để phục vụ sản xuất kinh doanh gồm: thửa đất tại địa chỉ 25 Lê Duẩn, thửa đất tại đường Thăng Long và thửa đất tại địa chỉ 67 Phan Chu Trinh. Thời gian qua, Công ty đã sử dụng đúng mục đích và chấp hành tốt việc nộp tiền thuê đất đầy đủ và đúng kỳ hạn. Tuy nhiên việc tăng giá thuê đất năm 2011 là quá cao, doanh nghiệp khó cân đối được chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với thửa đất tại địa chỉ 25 Lê Duẩn, theo quy định thì trục đường Lê Duẩn từ Ngã Sáu đến ngã ba Đinh Tiên Hoàng không được xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp chỉ sử dụng làm trụ sở làm việc.

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (chi nhánh Dak Lak) - một trong các doanh nghiệp thuê đất đề nghị điều chỉnh cách tính thuế đất phù hợp hơn.                        Ảnh: G.T
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (chi nhánh Dak Lak) - một trong các doanh nghiệp thuê đất đề nghị điều chỉnh cách tính thuế đất phù hợp hơn. (Ảnh: G.T)

Cùng chia sẻ và tư vấn thêm cho doanh nghiệp hiểu
Lắng nghe những lý lẽ này của doanh nghiệp, ý kiến đồng cảm cũng có bởi mức giá thuế thuê đất chưa có sự phân biệt cụ thể, rõ ràng đối với từng mục đích sử dụng đất. Nhưng nói như vậy không phải không có những ý kiến trái chiều. Bởi “kêu” thuế cao đôi khi đây cũng là “bệnh” của doanh nghiệp. Mấu chốt là một trong những phạm vi điều chỉnh của Nghị định 121 là quy định tiền thuê đất khi “chuyển từ hình thức được Nhà nước giao đất sang cho thuê đất”. Như phân tích của Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư, trước đây thực hiện giao đất nên hoạt động sản xuất kinh doanh khá "dễ thở" và không ít doanh nghiệp “ôm” nhiều đất của Nhà nước. Còn nhớ cách đây vài năm UBND tỉnh đã vất vả, riết ráo với công tác kiểm tra và chấn chỉnh việc sử dụng đất công không đúng mục đích của các tổ chức, doanh nghiệp khi nhiều đơn vị “ôm” được những lô đất vàng rồi một phần đem cho thuê lại với giá cao hơn hoặc trá hình kinh doanh thu lợi riêng.

 

Bức xúc của doanh nghiệp về giá thuê đất cao cũng là một trong những nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư đặc biệt lưu tâm và đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Bởi đây là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Phát biểu ý kiến về vấn đề “nóng” này trong Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần I năm 2011, đồng chí Lữ Ngọc Cư phân tích: Ngày 30-12-2010 Chính phủ ban hành Nghị định 121/2010/NĐ-CP về “sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước”. Hết thời hạn ổn định 5 năm, UBND tỉnh tiến hành điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với những đơn vị thuê đất là tổ chức, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh này cũng dựa trên căn cứ Nghị định 121. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điều 5a của Nghị định 142 về đơn giá thuê đất, Nghị định 121 nêu rõ: Trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì đơn giá thuê đất một năm tính bằng 1,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Như vậy đối chiếu giữa hai nghị định trên, tỷ lệ phần trăm để xác định đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 0,5% lên 1,5%, kéo theo đơn giá thuê đất năm 2011 có mức tăng dao động từ 3,3 đến 15 lần so với năm 2006. UBND tỉnh chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nhưng thực tế thực hiện Nghị định 121 của Chính phủ, nhiều vướng mắc phát sinh là vượt thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh trở xuống bởi đây là nghị định của Chính phủ quy định, áp dụng chung cho tất cả các tỉnh, thành. Tất nhiên những gì vượt tầm giải quyết, địa phương sẽ có trách nhiệm tổng hợp kiến nghị để phản ánh lên cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên đồng chí cũng nhấn mạnh: Những gì hợp lý doanh nghiệp cũng nên đồng thuận, nỗ lực đến cùng, không né tránh, chủ động tính toán để thích nghi. Một giải pháp đơn giản để thích nghi là rà soát, nghiên cứu xem khả năng sử dụng diện tích đất bao nhiêu là vừa, không “ôm” nhiều vừa lãng phí vừa phải đóng tiền thuê đất. Nếu doanh nghiệp nào cũng mổ xẻ tìm lý lẽ “kêu” đơn vị lĩnh vực mình kinh doanh là đặc thù, đề nghị được miễn giảm thì rõ ràng nhiều cái đặc thù sẽ trở thành cái phổ biến như vậy thì cần gì phải ưu tiên.

Xung quanh câu chuyện giá thuê đất được điều chỉnh tăng cao, có nhiều trăn trở cần được hóa giải ở cả hai phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên theo nhận định chung, việc điều chỉnh giá thuê đất là một trong những giải pháp góp phần siết chặt, nâng cao hiệu quả quản lý đối với đất công – tư liệu sản xuất quan trọng đồng thời cũng là một kênh để đánh giá năng lực, khả năng quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính phối hợp tổ chức Hội thảo "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế".

Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp dự Hội thảo đều cho rằng việc điều chỉnh thuế đất theo Nghị định 121 là cần thiết nhưng phải có lộ trình, vì tiền thuê đất là chi phí sản xuất quan trọng của doanh nghiệp, không thể tăng đột ngột với mức tăng lớn như vậy. Hơn nữa, thời điểm triển khai Nghị định 121 là không hợp lý vì doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó đề nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh thuế đất cho phù hợp và cho phép các doanh nghiệp hoãn nộp thuế đất năm 2011 chuyển sang nộp vào năm 2012 và những năm tiếp theo. Việc điều chỉnh giá thuê đất cần mang tính sát thực, cụ thể và nghiên cứu kỹ thời điểm áp dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương và của cả nước…

Ghi nhận các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết Bộ và VCCI sẽ có văn  bản gửi các bộ ngành và Chính phủ để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Hiện doanh nghiệp có thể kiến nghị giảm mức tiền thuê đất ở một mức nhất định trong năm 2011 để tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc