Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội mới từ những con đường

16:12, 16/01/2011

Xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn không chỉ nổi tiếng bởi nghề truyền thống làm bánh tráng mà còn là địa phương điển hình trong huy động nguồn lực làm đường giao thông nông thôn của huyện.

Từ những con đường phục vụ dân sinh
Chúng tôi về Ea Bar vào một ngày cuối năm, trong tiết trời nắng gió của mảnh đất Tây Nguyên, khi trên các mái bếp của người dân đã đầy ắp ngô, lúa, những ruộng mía cuối cùng đang được khẩn trương thu hoạch. Đi trên những con đường cấp phối khá rộng, già Ama Thuyên, Trưởng buôn Knia 2 hồ hởi nói: “Bây giờ đi vào bất cứ con đường nào trong buôn cũng dễ dàng, thuận lợi. Khi chở lúa, bắp về không bị đổ xe như trước đây nữa nên người dân trong buôn mua xe máy nhiều lắm!”. Trong niềm hân hoan ấy, già kể lại những ngày đầu Ban tự quản buôn đi vận động bà con cùng tham gia ngày công, hiến đất làm đường nội buôn đã gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ nhất định không cho tháo dỡ các công trình kiên cố, tài sản của nhà mình để mở rộng đường, nhưng sau khi nghe giải thích về những lợi ích của những con đường mới, trước hết là phục vụ bà con trong buôn thì nhiều người đã tự nguyện hiến đất, tham gia ngày công để làm đường.

Được biết, năm 2009-2010, có 4 buôn Knia được Nhà nước đầu tư trên 1 tỷ đồng theo Chương trình 135 giai đoạn 2 để bê tông hóa hệ thống kênh mương và làm đường giao thông nội đồng. Theo đó, người dân 4 buôn cũng tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư để mở rộng đường. Ông Y’Hiơh Knul, người dân buôn Knia 2 chia sẻ: lúc Ban tự quản buôn đến vận động hiến đất, mình vẫn còn do dự vì tiếc mấy chục gốc cà phê ở vườn, nhưng nghĩ cho cùng nếu nhà mình không làm theo chủ trương thì con đường này cũng không thể mở rộng được. Bây giờ, có đường rộng thế này, mới thấy được nhiều cái lợi về lâu dài.
Cũng như người dân buôn Knia 2, tại địa bàn buôn Knia 4, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn cũng không kém phần sôi nổi. Tất cả các hộ nằm dọc 2 tuyến đường đang làm đều tự nguyện hiến đất thổ cư của nhà mình. Ông Ama Toa cho biết, trước đây đường vào buôn hẹp lắm, bề ngang chỉ có 3 mét nên xe công nông rất khó vào, đưa được nông sản về nhà thì cơ cực lắm. Giờ đường được mở rộng thành 8 mét, ai cũng vui mừng.

Thi công đường tại buôn Knia 4, xã Ea Bar.
Thi công đường tại buôn Knia 4, xã Ea Bar.

Đến đường vào khu sản xuất nguyên liệu
Về thôn 5 hôm nay, đi trên những con đường cấp phối đá dăm rộng mở, người dân rất phấn khởi vì từ nay thôn không còn bị cô lập, bế tắc trong giao thương, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư đến với nơi này. Các hộ dân thôn 5 chủ yếu sống bằng nghề trồng mía, trước đây rất vất vả trong việc vận chuyển mía cây về nhà do đường sá đi lại khó khăn, xuống cấp.

Ngoài tuyến đường chính nối từ Tỉnh lộ 5 vào khu vực mỏ đá của thôn được Công ty TNHH Hoàng Phát đầu tư nâng cấp, sửa chữa, còn lại các tuyến đường nội thôn, nhất là đường dẫn ra cánh đồng mía, được UBND huyện đầu tư trên 500 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp. Trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, Ban tự quản thôn tích cực vận động bà con hiến đất, đóng góp công sức mở rộng tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển nông sản, thực phẩm của địa phương đến với  thành phố, nhà máy chế biến.
Chị Phạm Thị Hòa cho hay, trước đây đường ra cánh đồng chỉ rộng chừng 2 mét, cây mía lại kềnh càng nên rất khó vận chuyển, chưa kể do không có đường cũng kéo theo nhiều hệ lụy như: tốn kém trong việc thuê nhân công bốc vác, chở mía; sản phẩm không có đầu ra, thu hoạch được bao nhiêu lại phải mất thời gian nấu mật. Trong khi giá cả bếp bênh, chi phí đầu vào lại cao, các hộ trồng mía phải đi bán lẻ từng chai mật rất vất vả nên nhiều người muốn phá bỏ mía, nhưng do đất đai không có cây trồng nào thích hợp nên đành để vậy. Từ khi đường được mở rộng khoảng 10 mét ngang, việc tiêu thụ cây mía rất thuận lợi, Công ty Cổ phần Mía đường Dak Nông đã cho xe đến tận ruộng để thu mua sản phẩm. Hai năm nay, giá mía đường có xu hướng tăng cao, mọi chi phí đầu vào cơ bản giảm xuống nên người dân trồng mía cũng đã có lãi.

Anh Bùi Xuân Mau, cán bộ giao thông thủy lợi xã nhấn mạnh về tầm quan trọng của giao thông nông thôn: Nhờ có đường, mới đánh thức được  tiềm năng lợi thế về đất đai, sản xuất hàng hóa phát triển, tạo việc làm cho lao động nông thôn, hứa hẹn một hướng mở lâu dài cho cây mía tại Ea Bar.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc