Multimedia Đọc Báo in

Đoàn ĐBQH tỉnh: Phát huy vai trò đại biểu, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân

10:13, 25/04/2016

Là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, trong nhiệm kỳ 2011-2016,  Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XIII đã góp phần thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng vai trò không nhỏ vào kết quả chung của Quốc hội, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.

Tăng cường đối thoại

Ông Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác, tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn ĐBQH tiến hành nghiêm túc theo luật định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong chương trình công tác hằng năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp dân trên địa bàn tỉnh định kỳ mỗi tháng 1 lần. Ngoài việc tổ chức tiếp công dân định kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thường xuyên tiếp công dân tại trụ sở làm việc của Đoàn khi có yêu cầu của công dân.

Bà  H’Yim Kđor, đại biểu Quốc hội, Phó  Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri.   Ảnh:  Thuận Nguyễn
Bà H’Yim Kđor, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri. Ảnh: Thuận Nguyễn

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức 228 hội nghị tiếp xúc cử tri với 12.395 lượt cử tri tham dự, có 2.459 lượt ý kiến phát biểu. Để bảo đảm tính khách quan, dân chủ, các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương đều được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc trả lời trực tiếp tại các buổi tiếp xúc, hoặc tiếp thu để giải quyết. Những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương đều được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp chi tiết gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết, trả lời cho cử tri theo quy định. Đối với các nội dung kiến nghị của cử tri có tầm chiến lược cũng đã được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách, các quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng như: đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây Nguyên; có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho các vùng kinh tế còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; đã phê duyệt cho 15 dự án tái định cư đối với dân di cư ngoài kế hoạch…

Nêu cao vai trò đại biểu nhân dân

Với tư cách là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết và nêu cao vai trò người đại biểu nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 56 hội nghị để lấy ý kiến đóng góp vào hơn 84 dự án luật, bộ luật và nghị quyết trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chú trọng mở rộng đối tượng để lấy ý kiến tham gia bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các sở, ngành, đơn vị có liên quan; phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp; phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật chuyên ngành… Các ý kiến tham gia của Đoàn đã góp phần tích cực cùng Quốc hội thông qua được 101 Luật, 91 Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Hoạt động chất vấn của các vị ĐBQH trong Đoàn cũng đã phát huy hiệu quả tại các kỳ họp Quốc hội, chất lượng các câu hỏi chất vấn ngày càng được nâng cao và đi vào chiều sâu. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu 35 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại Quốc hội và gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đó là  những vấn về bức xúc của xã hội, về chế độ chính sách đối với người có công; cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố chậm được điều chỉnh bổ sung phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc quản lý chất lượng các công trình giao thông; tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; giải pháp để khắc phục tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức 14 cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương. Trên cơ sở các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 81 kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương.

Với kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh đã chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành của Trung ương để phản ánh kiến nghị trực tiếp những vấn đề liên quan đến nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, các ý kiến đã được ghi nhận và đưa vào nghị quyết, chương trình đầu tư trung, dài hạn cho địa phương. Điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp mở rộng các quốc lộ 26, 27, 29, đường tránh thị xã Buôn Hồ vào giai đoạn 2015-2020; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời phân bổ nguồn vốn cho công trình nâng cấp đập chứa nước Krông Búk Hạ và hệ thống kênh mương công trình Krông Pắc Thượng…

Theo đánh giá của ông Y Khút Niê, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII thời gian qua đã thực sự tạo bước chuyển biến quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào ở địa phương cũng như của cả nước, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.

       Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.