Multimedia Đọc Báo in

Đất đai, dân di cư tự do, giao thông, sản xuất nông nghiệp – những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh tập trung chất vấn

17:57, 17/07/2014

Chiều nay (17-7), Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá VIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Những nội dung chất vấn liên quan đến vấn đề đất đai, dân di cư tự do, hạ tầng giao thông, thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 17-7

Đại biểu Y Si Thắt Ksơr, thuộc tổ đại biểu số 2, chất vấn về tình trạng dân di cư tự do vẫn còn phổ biến trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các xã, huyện biên giới. Đại biểu hỏi: giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đối tượng này như thế nào trong khi các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có đất ở, đất sản xuất vẫn còn chưa giải quyết dứt điểm. Về nội dung này, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau: Dak Lak đang triển khai thực hiện Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 176, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-3015 và định hướng đến năm 2020 (thay thế Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg), trên cơ sở kế thừa 24 dự án đã được phê duyệt về chương trình di dân, với quy mô cần ổn định cho 6.527 hộ - 32.635 khẩu. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã giải quyết cho 1.347 hộ - 6.735 khẩu (đã được giao đất ở, đất sản xuất) còn lại 5.180 hộ - 25.900 khẩu cần được bố trí sắp xếp ổn định. Việc bố trí sắp xếp dân cư qua các năm triển khai chậm do nguồn vốn của chương trình di dân được Trung ương bố trí hằng năm thấp, chỉ đạt 29% so với kế hoạch. Để thực hiện được mục tiêu sắp xếp ổn định cho 5.180 hộ, tổng số vốn cần tiếp tục đầu tư 635,763 tỷ đồng (chưa tính đến yếu tố trượt giá). Nếu được bố trí đủ kinh phí thì đến năm 2020, Dak Lak cơ bản hoàn thành mục tiêu của các dự án bố trí sắp xếp dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt.

Các đại biểu đạt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Phạm Hát nêu câu hỏi chất vấn 

Về vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, đại biểu Phạm Hát, thuộc tổ đại biểu huyện Krông Năng nêu ý kiến: Trên các tuyến tỉnh lộ, các tuyến liên xã, tình trạng đường sá xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng đang xảy ra ở nhiều nơi, nhất là những tuyến thường có xe tải trọng lớn đi qua. Để giảm việc lãng phí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết việc chỉ đạo  các ban, ngành và các địa phương quản lý cũng như xử lý tình trạng vi phạm về tải trọng của các phương tiện giao thông trên các tuyến tỉnh lộ và các tuyến liên xã trong thời gian qua như thế nào và có phương hướng gì trong thời gian đến? 

Đại
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Y Puắt Tơ trả lời câu hỏi của đại biểu

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Y Puắt Tơ giải trình như sau: Ngày 19-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1966/CĐ-TTg chỉ đạo tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Bộ Giao thông Vận tải đã có quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Toàn quốc đã tiến hành triển khai đồng loạt đưa cân vào hoạt động từ ngày 1-4-2014. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải đưa cân vào hoạt động muộn hơn (ngày 6-5-2014) do gặp phải một số vướng mắc. Từ ngày đưa trạm cân vào hoạt động cho đến nay, Thanh tra Sở đã lập biên bản xử lý 138 trường hợp, buộc hạ tải 132 xe, số tiền phạt thu được gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp những khó khăn. Để giảm thiểu các loại xe quá khổ, quá tải hoạt động trên đường bộ, sắp tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và ráo riết tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý hành vi, thay đổi kích thước thùng xe chở hàng trái phép đối với xe ô tô tải tự độ, hoàn cải, tăng số giường nằm đối với xe khách giường nằm.

Liên quan đến vấn đề y tế, ông Y Ruynh Niê Kuăn, thuộc tổ đại biểu huyện Krông Bông và Lak cho rằng: thủ tục hành chính của các bệnh viện huyện hiện nay quá rườm rà, gây phiền hà cho bệnh nhân. Cụ thể, vào viện đã làm thủ tục nhập viện và điều trị được một tuần, tuần thứ 2 bệnh chưa bớt muốn điều trị tiếp thì bệnh viện yêu cầu bệnh nhân về lấy giấy chuyển viện từ xã để làm thủ tục nhập viện mới được điều trị tiếp. Đại biểu chất vấn, những thủ tục như thế có phải do quy định của ngành không? Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long trả lời: Đây không phải là quy định của ngành. Riêng đối với trường hợp đại biểu nêu, Sở Y tế đã kiểm tra nhanh và phát hiện có xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pak. Sở sẽ nghiêm túc tiếp thu phản ánh của đại biểu để kiểm tra và làm rõ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu trả lời
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu giải trình rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu chất vấn  

Liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đại biểu Y Ruynh cũng đề nghị UBND tỉnh cho biết những chủ trương, biện pháp để chấm dứt tình trạng thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả hiện nay bởi theo phản ánh của đại biểu thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả đã và đang xuất hiện tràn lan trên thị trường của tỉnh làm ảnh hưởng đến cây trồng của người nông dân. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trang Quang Thành nêu rõ: Qua kiểm tra thực tế trong thời gian vừa qua, Sở chưa nhận được kiến nghị của người tiêu dùng về thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả. Dư luận cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả đã và đang xuất hiện tràn lan trên địa bàn tỉnh là không đúng thực tế. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn có thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép đăng ký sử dụng ở Việt Nam, trên bao bì hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc còn vượt quá về đối tượng diệt trừ, loại cây trồng so với danh mục được đăng ký hoặc hướng dẫn trên bao bì còn chung chung, phòng trừ được tất cả các loại sâu bệnh… làm nông dân hiểu lầm.

Ông Thành cũng đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng này như sau: Tuyên truyền phổ biến và khuyến cáo người dân sử dụng phân bón nếu có hiệu tượng bất thường thì báo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Tổ chức các cuộc thanh kiểm tra sản xuất kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cấp huyện cần tăng cường công tác thanh kiểm tra sản xuất kinh doanh chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn thuộc quyền quản lý.  Kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT quy định việc sản xuất kinh doanh phân bón vào loại hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện và việc quản lý chất lượng phải được thực hiện tại gốc, tại nơi sản xuất; đầu tư cho tỉnh một phòng kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp đạt tiêu chuẩn để kiểm nghiệm và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí về kinh phí để tăng cường công tác thanh kiểm tra. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, tập huấn cho người kinh doanh, nông dân hiểu và kinh doanh đúng quy định.

Đàm Gia

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.