Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền cần chặt chẽ hơn

15:36, 16/11/2011

*Chỉ nên có một cơ quan quản lý giám định pháp y

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội (QH) xem xét, cho ý kiến trong phiên họp sáng qua (15-11). Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu QH nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành luật về phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật còn có những ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên đưa nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật, vì đây là vấn đề cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ để đảm bảo sự hài hòa trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế và chủ quyền của quốc gia.
Đại diện cho nhóm quan điểm thứ hai là nên đưa ngay nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống rửa tiền. Bởi vì có đại biểu lưu ý rằng, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế mà theo đó đã ghi rõ cả thời hạn ban hành luật về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố. Luật Phòng, chống rửa tiền có nhiều khái niệm và nội dung liên quan hữu cơ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và 6 luật chuyên ngành khác. Tham chiếu các quy định pháp luật có liên quan thì thấy có rất nhiều điểm “cập kênh” trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền. Vì thế, có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh, nếu không muốn sửa hàng loạt luật khác.

Về cơ quan chủ trì hoạt động phòng, chống rửa tiền, các ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng qua cũng chia làm ba nhóm. Trong khi một số ý kiến nhất trí với dự thảo đề nghị giao cho một cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước thì đa số ý kiến cho rằng, một cơ quan thuộc Bộ Công an sẽ thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn. Trên cơ sở nhận định rằng tại Việt Nam, các giao dịch bằng tiền mặt, vàng và tài sản có giá trị khác là rất phổ biến chứ không nhất thiết phải thông qua hệ thống ngân hàng, nên một số đại biểu đề nghị giao cho cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an làm đầu mối chủ trì phòng, chống rửa tiền.

Chiều qua, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giám định tư pháp, đa số ý kiến của các đại biểu QH đồng tình với việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giám định. Một số ý kiến tán thành với những quy định nhằm xã hội hóa công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận chiều qua, khá nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc chủ trương xã hội hóa đối với lĩnh vực rất nhạy cảm này.

Nhiều đại biểu đồng tình với xu hướng xã hội hóa giám định tư pháp nhằm huy động nguồn lực của xã hội vào công tác này, nhất là đối với các trung tâm nghiên cứu, cơ sở khoa học, song cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm chất lượng. Việc xã hội hóa giám định tư pháp là phù hợp nhằm làm giảm áp lực công việc cho các hệ thống giám định và tòa án. Kết luận giám định của các tổ chức, đơn vị cũng có giá trị tương đương với các cơ quan giám định nhà nước. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng chỉ nên cho phép xã hội hóa giám định tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế chứ không nên cho phép đối với lĩnh vực hình sự.

Một số đại biểu đề nghị giữ lực lượng giám định của ngành công an tỉnh ở lại ngành công an, thuộc phòng cảnh sát hình sự chứ không chuyển sang giám định pháp y của tỉnh như dự Luật đề xuất. Lý do là thực tế trong hoạt động điều tra, công tác giám định pháp y rất quan trọng, nhất là giám định của lực lượng công an. Khi xảy ra nhiều vụ án cùng lúc, việc trưng cầu giám định y tế rất khó khăn, hoặc nếu trưng cầu giám định của tỉnh, rất mất thời gian, làm cản trở quá trình điều tra. Cải cách tư pháp là đúng, nhưng trong điều kiện chưa có các trung tâm giám định pháp y, nếu chuyển giám định của công an sang tỉnh thì chắc chắn gây khó khăn cho công tác điều tra. Hơn nữa, giám định pháp y là một đặc thù riêng, một trong biện pháp nghiệp vụ của ngành công an.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.