Multimedia Đọc Báo in

Tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

17:32, 06/01/2014

Sáng 6-1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự, chỉ đạo Hội nghị.

Tại điểm cầu Dak Lak, tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

1
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Năm 2013, Bộ LĐTBXH xây dựng, trình Chính phủ 55 đề án, trong đó đã được thông qua, ban hành 41 đề án, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của ngành, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các hoạt động thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, thị trường lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, trong năm đã giải quyết việc làm cho trên 1,5 triệu lao động, đạt 96,45% kế hoạch; xuất khẩu lao động 88.155 người, đạt 103,7% kế hoạch. Công tác theo dõi, kiểm tra giám sát thực hiện các quy định của pháp luật lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… được thực hiện tốt hơn, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 3,6% so với cuối năm 2012, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 16,4%, trên 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa, hiện cả nước có 1.339 cơ sở dạy nghề, tuyển mới dạy nghề trên 1,7 triệu người, đạt 91,15% kế hoạch.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, ngành LĐTBXH đã chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,5 triệu người có công với cách mạng, chi trả trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu người với tổng kinh phí hơn 7.120 tỷ đồng, tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 600.000 người, hỗ trợ xây mới 7.500 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 10.000 nhà cho các đối tượng chính sách, huy động trên 212 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 được triển khai cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2013 còn 7,8%, giảm 1,8% so với cuối năm 2012. Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn; nâng cao chất, hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai, phòng chống mại dâm; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc…

3
Các đại biểu tại điểm cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành LĐTBXH cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế: một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm ban hành hướng dẫn thực hiện; các chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; vẫn còn những sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề, khai man hồ sơ để hưởng chính sách người có công…

Bộ LĐTBXH đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, trong đó tập trung vào những chỉ tiêu chính: tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tuyển mới dạy nghề cho 1,78 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7-2%; tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 97% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú; 85% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc…

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã phát biểu nêu kinh nghiệm trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành LĐTBXH đạt được thời gian qua; yêu cầu ngành kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng cho rằng, để bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới, ngành LĐTBXH cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ và kịp thời trong việc ban hành văn bản, hướng dẫn thực hiện; tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động thông qua việc chấn chỉnh, đổi mới, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề, gắn công tác đào tạo nghề với doanh nghiệp, chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động. Về công tác xã hội, ngành LĐTBXH cần sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, ngân sách trong công tác bảo trợ xã hội, chính sách đối với người có công tránh chủ nghĩa “bình quân”; hệ thống hóa, công khai, minh bạch nhằm theo dõi, quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng.

Nguyễn Xuân
 



















 


Ý kiến bạn đọc