Multimedia Đọc Báo in

Khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến: Tạo thêm sức ép và gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên

02:33, 16/06/2013

 Hình ảnh bệnh nhân xếp hàng đông đúc chờ khám bệnh, hay nằm ghép đôi, ghép ba trên một giường bệnh tại các cơ sở y tế lớn đã trở thành quen thuộc từ nhiều năm nay. Quá tải bệnh viện hiện vẫn còn là bài toán khó giải và theo các nhà quản lý y tế thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến của người dân là nguyên nhân không nhỏ.

Bệnh nhân điều trị nội trú tại  Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện  Đa  khoa tỉnh.
Bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Là một trong những cơ sở y tế lớn nhất tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn phải tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân cả trong và ngoài tỉnh đến khám, chữa bệnh mỗi ngày. Điều này thể hiện niềm tin của người dân đối với Bệnh viện, nhưng cũng đã khiến cho Bệnh viện trở nên quá tải trong vài năm trở lại đây. Thực tế cho thấy đa số người dân ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện giáp thành phố như: Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn đều vượt tuyến về tỉnh để khám chữa bệnh, mặc dù theo quy định thì họ phải khám chữa bệnh theo đúng tuyến hoặc đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Những trường hợp như cấp cứu, bệnh nặng, nguy hiểm vượt quá khả năng chữa trị của bệnh viện tuyến dưới thì người bệnh mới có quyền chuyển tuyến trên cơ sở được sự đồng ý của tuyến đang điều trị. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh đã tự ý bỏ qua quy định này. Lý giải cho vấn đề này, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, việc người dân không thực hiện khám chữa bệnh đúng tuyến một phần là do tâm lý của người dân cho rằng cứ tuyến trên là tốt. Bên cạnh đó, mức chi trả của BHYT cho những trường hợp vượt tuyến còn cao, cụ thể là chi trả 70% ở bệnh viện hạng III, IV, chưa xếp hạng; 50% ở bệnh viện hạng II và 30% ở bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt mà chưa có sự thẩm định về tình trạng bệnh của mỗi trường hợp.

Theo thống kê của Khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2012 có tổng cộng 183.093 trường hợp khám chữa bệnh bằng BHTY, trong đó có 40.854 trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, chiếm tỷ lệ 22,3%. Trong 4 tháng đầu năm 2013, có 68.101 lượt khám chữa bệnh bằng BHYT, trong đó có 14.468 lượt khám chữa bệnh trái tuyến, chiếm tỷ lệ 21,2%. Các bác sĩ cho rằng có khoảng 80% người bệnh trong số đó vượt tuyến không chính đáng, điển hình là các căn bệnh như cảm cúm, nhức đầu, đau mắt.... Tuy nhiên, là người thầy thuốc không ai lại từ chối khám và điều trị bệnh khi người dân có nhu cầu. Và điều này vô tình trở thành gánh nặng cho bệnh viện, nhất là đối với các bác sĩ khi hằng ngày phải thăm khám số lượt bệnh nhân vượt mức tiêu chuẩn.

Bệnh viện quá tải sẽ gây ra nhiều hậu quả, rõ rệt nhất là chất lượng điều trị. Theo quy định thì trung bình một ngày bác sĩ làm việc tại bệnh viện hạng I khám cho khoảng 25-35 lượt bệnh nhân. Nhưng tại Khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình một ngày các bác sĩ phải khám cho từ 50-60 lượt, ngày cao điểm lên tới hàng trăm lượt. Điều này dễ khiến thầy thuốc phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, nạn “cò” bệnh viện, trộm cắp, móc túi bệnh nhân gia tăng, làm mất trật tự anh ninh xã hội.

Khi được hỏi về việc khám, chữa bệnh trái tuyến thì đa phần người dân đều ý thức được việc làm của mình là trái với quy định nhưng với lý do là để an tâm họ vẫn khám vượt tuyến mà không biết rằng hành động đó đã tạo nên sức quá tải cho bệnh viện và làm mất quyền lợi của rất nhiều người khi họ có nhu cầu khám chữa bệnh đúng tuyến.

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao luân phiên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện. Nhưng đến nay, tỷ lệ người dân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vẫn phổ biến.

Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, thực tế của việc khám chữa bệnh trái tuyến cho thấy nhu cầu chính đáng của người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Hiện nay, đa số các bệnh viện tuyến huyện và tương đương trong tỉnh đều đã thực hiện được nhiều kỹ thuật phẫu thuật phức tạp như mổ lấy thai, mổ ruột thừa…; một số bệnh viện đã có thể thực hiện phẫu thuật nội soi. Vì vậy, để người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng vượt tuyến thì công tác truyền thông tuyên truyền thành tựu của ngành Y tế là rất quan trọng.

Rõ ràng với mức chi phí đóng BHYT như nhau nhưng người dân ở thành phố - nơi tập trung nhiều cơ sở y tế lớn được tiếp cận với những dịch vụ y tế hiện đại hơn người dân ở huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới là hết sức cần thiết, để mọi người dân đều được hưởng quyền lợi chính đáng và công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc