Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ

09:03, 10/07/2022

Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ độ tuổi từ 1 - 12. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá mà chưa hiểu hết về sự nguy hiểm.

Bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý mà còn có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách.

Cháu H.T.N., 2 tuổi, ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) bị bỏng nước sôi toàn thân. Theo lời kể của chị N.H.H. (mẹ cháu N.) lúc chuẩn bị tắm cho con, chị H. đã cẩn thận đưa bé lên phòng khách, một mình xuống đun nước và pha nước tắm. Vừa đổ phích nước nóng vào chậu, chưa kịp pha với nước lạnh thì nghe có tiếng xe rác nên đi lấy bịch rác đem ra ngoài. Đến khi nghe tiếng con khóc thét lên, vội chạy vào thì thấy cả người con đã nằm trong chậu nước sôi. Sau khi sơ cứu, gia đình đã đưa con vào bệnh viện. “Mặc dù con đã qua cơn nguy kịch nhưng vết bỏng quá nặng có thể sẽ để lại di chứng nặng nề về sau”, chị H. buồn rầu nói.

Người chăm sóc trẻ cần chú ý giám sát trẻ, không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Hầu hết tai nạn bỏng ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ từ 1 - 3 tuổi đều do sự bất cẩn của người lớn, vì ở độ tuổi này trẻ chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh. Cha mẹ, người lớn trong gia đình mải làm việc hoặc không thấy được những nguy cơ gây bỏng bất ngờ cho trẻ như: đặt bát canh nóng gần chỗ trẻ chơi, đặt nồi cơm điện đang sôi dưới nền nhà… Trong những tình huống này, chỉ cần một phút cha mẹ quay đi, trẻ nhỏ đã bất ngờ bị bỏng.

 

Khi trẻ bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước lạnh hoặc chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giúp giảm đau, giảm phù nề và đặc biệt giúp giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng, sau đó che phủ vết bỏng bằng vải sạch và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất...”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn,Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tai nạn bỏng do nhiều nguyên nhân và mức độ tổn thương khác nhau. Tổn thương quá nặng trẻ có thể tử vong, hoặc để lại cho trẻ những di chứng khó khắc phục cả về thể chất và tinh thần như: ngủ hay giật mình, khó hòa nhập hoặc mất nhiều thời gian để hòa nhập lại với môi trường của các em ở trường, lớp hay nơi ở. Về phát triển thể chất, nếu không được tư vấn và điều trị thì các di chứng ở trẻ sau bỏng sẽ nặng nề hơn so với người lớn do cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Những di chứng thường gặp sau bỏng là rối loạn sắc tố, ngứa, viêm da, sẹo. Nếu trẻ có sẹo co kéo ở ngực sẽ khiến ngực không phát triển làm cho lồng ngực bị hẹp lại, thể tích phổi không phát triển được. Nếu trẻ bị sẹo co kéo ở khớp không chỉ gây mất vận động mà còn có thể gây biến dạng xương. Khi trẻ bị sẹo ở cổ có thể gây co kéo cổ làm lệch cột sống. Thời gian điều trị bỏng cho trẻ kéo dài khoảng 2 - 3 tuần hoặc dài hơn, tùy thuộc vào diện bỏng và mức độ bỏng, nhưng sau khi điều trị phải tiếp tục duy trì theo dõi trong 2 năm sau đó vì thời gian này sẹo và cơ thể trẻ vẫn phát triển sẽ dần hình thành các rối loạn do sẹo gây ra...

Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn khuyến cáo: Cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng; sắp xếp đồ đạc trong nhà hợp lý, đồ vật dễ gây cháy nổ, bỏng phải để xa tầm tay trẻ em; bố trí bếp và nơi nấu ăn phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần; không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ… Đặc biệt, khi trẻ bị bỏng cần sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử lý sai thì về sau có thể khiến vết bỏng sâu hơn, gây nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút cơ… thậm chí để lại thương tật vĩnh viễn cho người bệnh. Sau sơ cứu, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược để tự chữa bỏng cho trẻ.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.