Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

09:03, 17/01/2023

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh và khu vực, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật và chuyên môn cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rèn luyện y đức, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, một trong những giải pháp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chú trọng là đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh như: hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) - hệ thống kỹ thuật hiện đại nhất trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu; máy Carm hỗ trợ phẫu thuật xâm lấn tối thiểu; các thiết bị hiện đại về chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, gây mê, kiểm soát nhiễm khuẩn, lọc máu...

Đặc biệt, từ đầu năm 2019 (thời điểm chuyển về hoạt động tại cơ sở mới rộng rãi, khang trang với tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng), bệnh viện đã có hệ thống phòng mổ hiện đại, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế và mở rộng từ 6 phòng (ở cơ sở cũ) lên 15 phòng, tạo thuận lợi cho người bệnh không phải chờ đợi làm phẫu thuật.

Một ca đặt stent động mạch vành cho người bệnh tại Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, bệnh viện đã quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng đòi hỏi bệnh viện luôn phải nỗ lực, cải tiến, nâng cao chất lượng. Bệnh viện luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực thông qua nhiều hình thức đa dạng khác nhau, trong đó công tác đào tạo chuyên ngành, chuyên khoa sâu là một trong những chiến lược quan trọng.

Hằng năm, bệnh viện luôn có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các y bác sĩ tham gia đào tạo dài hạn, ngắn hạn và đào tạo chuyển giao gói kỹ thuật tại các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương, qua đó đã bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác khám chữa bệnh, nâng tầm uy tín, thương hiệu của bệnh viện hạng I tuyến cuối tỉnh và khu vực.

Người bệnh chụp cộng hưởng từ (MRI) tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
 

“Xác định triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là yếu tố then chốt, xuyên suốt để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh một cách bền vững, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, duy trì những kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai, phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng thụ các chế độ, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngay tại cơ sở”.

 
Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Với số nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, bệnh viện đã triển khai thường quy 100% kỹ thuật theo phân tuyến của bệnh viện hạng I và nhiều kỹ thuật của tuyến đặc biệt. Chẳng hạn, kỹ thuật siêu lọc máu, chạy ECMO, tiêu sợi huyết ở lĩnh vực nội khoa; cắt đại tràng, cắt thực quản, cắt phổi, cắt gan qua nội soi ở lĩnh vực ngoại khoa; phẫu thuật u não trong não, u tủy và các chấn thương cột sống ở lĩnh vực ngoại thần kinh. Ở lĩnh vực can thiệp tim mạch, các kỹ thuật đặt máy tạo nhịp, đặt stent động mạch vành đã được triển khai hiệu quả. Hay kỹ thuật thay khớp gối, khớp háng, dây chằng chéo cũng được triển khai thường quy trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình...

Việc triển khai được nhiều kỹ thuật mới, khó đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chất lượng điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, đặc biệt, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm được thời gian và chi phí trong quá trình điều trị. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân N.N. (ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì nhồi máu cơ tim. Ngay sau đó, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch đã hội chẩn và nhanh chóng thực hiện các thủ thuật, tận dụng “giờ vàng” cấp cứu bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Trước đây, hầu hết những trường hợp bị nhồi máu cơ tim như bệnh nhân N.N. đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, nhưng do Đắk Lắk cách xa các khu vực trung tâm như Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội nên di chuyển rất mất thời gian, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Đến thời điểm này, với việc làm chủ kỹ thuật, bình quân mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 40 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, đa phần đều được cứu sống.

 Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.