Multimedia Đọc Báo in

Khi hiến máu trở thành “mệnh lệnh trái tim”

06:20, 21/01/2022

“Mỗi lần tổ chức lấy máu tại huyện Ea Kar, chúng tôi không sợ thiếu chỉ tiêu. Nhiều lúc chương trình tổ chức cả ngày nhưng đến trưa đã lấy đủ máu, trong khi vẫn còn nhiều người xếp hàng chờ được hiến”, ông Nguyễn Đức Phú - Chánh Văn phòng Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh chia sẻ.

Nhận định trên của ông Phú thật không sai khi trong đợt tổ chức hiến máu trong chương trình Chủ nhật Đỏ năm 2022 diễn ra vào ngày 16/1, thu được 1.138 đơn vị máu (vượt 338 đơn vị máu).

Vượt chặng đường hơn 12 km, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Điện Biên 1, xã Ea Kmút) có mặt rất sớm tại điểm hiến máu. Ông cho biết: “Tôi đã 6 lần cho máu. Tôi tranh thủ đến hiến sớm để về hái cà phê. Tôi làm nông lao động quen rồi, hiến máu về là đi làm ngay, không nghỉ ngơi gì cả. Tôi phải tranh thủ hiến vì còn 4 năm nữa là hết tuổi cho máu. Tôi đi hiến máu vì muốn chia sẻ với người bệnh đang cần máu. Cứ có chương trình là tôi đi thôi”.

Ông Nguyễn Văn Thắng (bên phải) tham gia hiến máu.

Cũng với tinh thần “cho đi là còn mãi”, chị H’On Byă (buôn Ea Brah, xã Ea Sô) đi hơn 20 km đến điểm hiến máu. Chị H’On cho hay, chị rất sợ kim tiêm và máu. Năm 2015, một người bạn trong buôn rủ đi hiến máu, chị đồng ý đi cho biết. Đó là lần đầu chị cho máu và tự vượt qua nỗi sợ bản thân, hiến tặng máu quý cứu người. Từ đó đến nay, chị H’On sắp xếp công việc nhà để đi hiến máu, ít nhất 1 - 2 lần/năm.

Khi hiến máu đã trở thành “mệnh lệnh trái tim”, H’Hanh Niê (thị trấn Ea Kar, sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) quyết định hoãn lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 để hiến máu. “Cuối năm, các bệnh viện cần nguồn máu dự trữ để cứu người nên em quyết định lùi thời gian tiêm chủng, ưu tiên hiến máu. Năm lớp 12, em đã muốn hiến máu nhưng chưa đủ tuổi. Vào đại học, em cùng bạn vào bệnh viện để hiến”, nữ sinh H’Hanh tâm sự.

Trong khi đó, nhiều người tuy đã hết tuổi hiến máu nhưng cũng có cách đóng góp riêng của mình. Tuổi cao nhưng khi địa phương có phong trào hiến máu nhân đạo, cụ Bùi Thị Phượng (80 tuổi), Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn 5 (xã Cư Ni) lại đi từng nhà vận động người dân tham gia hiến máu. Như đợt hiến máu "Chủ nhật đỏ" vừa qua, cụ Phượng có mặt rất sớm để hướng dẫn người dân trong thôn làm thủ tục hiến máu. Người nào đăng ký hiến nhưng chưa có mặt, cụ lại nhờ Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ thôn gọi điện nhắc nhớ.

Người dân Ea Kar tham gia ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ năm 2022.

Dù hết tuổi hiến máu, nhưng bà Phan Thị Nhường (68 tuổi, thôn 5, xã Cư Ni) vẫn quyết tâm đến điểm tổ chức cho thỏa ước nguyện. “Tôi muốn hiến máu lâu rồi nhưng cân nặng cứ dưới 45 kg. Nay tôi tăng lên 60 kg nên xung phong đi hiến máu. Các con tôi cứ cản nhưng tôi cứ quyết đi cho thỏa lòng. Tôi khỏe lắm, từ xưa đến giờ chưa phải đi bệnh viện chữa bệnh. Họ cho hiến thì hiến, không thì tôi xem người ta hiến cũng được. Tôi dậy sớm lo cho ba đứa cháu ăn sáng và cho đàn lợn ăn no mới đi xe đạp điện đến điểm hiến máu”, bà Nhường vui vẻ cho hay.

Bà Trần Thị Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar cho biết, nhiều năm nay địa phương luôn dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào hiến máu nhân đạo. Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ea Kar, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, còn có sự hưởng ứng tích cực của toàn dân. Năm 2021, trên địa bàn có 2 đợt hiến máu và đều đạt, vượt chỉ tiêu.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.