Multimedia Đọc Báo in

Thống nhất biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn

16:59, 20/01/2022

Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.  

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao, trong đó nổi bật là tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,01%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 10,4 người; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường. Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế tập trung phòng chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh TTXVN)

Ngành Y tế đã thực hiện nhiệm vụ kép, đảm bảo an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời. Các chính sách nhằm đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…

Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, tính đến ngày 13/1/2022, cả nước đã tiêm được 164,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số đích. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.

Bên cạnh đó, ngành Y tế còn chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch COVID-19 để tăng tốc thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành thông qua các hoạt động thiết thực như áp dụng tờ khai y tế điện tử, xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2022, ngành Y tế tập trung phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92%; tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng COVID-19…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2022, ngành Y tế cần bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng thời tổ chức tiêm an toàn, hiệu quả; đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong; thống nhất biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch COVID-19; chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh …

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.