Multimedia Đọc Báo in

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiệm vụ năm 2023

15:42, 22/12/2022

Ngày 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu cả nước. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.  

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Theo báo cáo tại Hội nghị, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành VHTTDL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".

Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)...

Các đại biểu tham dự trực tiếp hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Trong năm có nhiều sự kiện quan trọng, tiêu biểu như: Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31; Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, tổng lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỉ đồng…

Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của ngành.

Năm 2023, ngành VHTTDL tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa đi đôi với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 650.000 tỷ đồng; tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) tổ chức ở Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị trong thời gian tới, ngành VHTTDL xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; phải chuẩn bị các điều kiện để đầu tư được các công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, rà soát toàn diện lĩnh vực hoạt động, khẩn trương triển khai mạnh mẽ các giải pháp, trong đó tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; quan tâm hơn nữa tới đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật bằng những chế độ, chính sách cụ thể; động viên, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư cho văn hoá, nghệ thuật; tiếp tục chú trọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc