Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp truyền thống Tết Việt

15:23, 30/01/2022

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán có một ví trí vô cùng quan trọng trong tiềm thức của người Việt. Tết cổ truyền là nét đẹp, chứa đựng nhiều phong tục tập quán mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần của người Việt Nam.

Hằng năm, khi phố phường rộn rã đèn màu, mai đào khoe sắc thắm cũng là dấu hiệu báo một năm mới lại đến. Những người con đất Việt lúc này dù đi đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương, đếm ngược từng ngày để về đoàn tụ cùng gia đình.

Gác lại công việc đồng áng, cứ vào chiều 28 tháng Chạp (âm lịch) hằng năm, khi con cái đã về đông đủ, gia đình bà Phạm Thị Bé (tổ dân phố 2, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Từ việc chọn những hạt gạo nếp căng tròn, đậu xanh, thịt ba chỉ, cho đến việc lựa cắt những chiếc lá dong, dây lạt mỏng; rồi phân chia công đoạn để cùng làm nên những chiếc bánh vuông vắn, đầy đặn. Những đứa cháu nhỏ tò mò nhìn đôi bàn tay gói bánh thoăn thoắt của ông bà, bố mẹ, háo hức chờ đợi được thưởng thức.

Hằng năm, khi mai đào khoe sắc thắm cũng là dấu hiệu báo một năm mới lại đến.

 Trong thời tiết se lạnh những ngày cuối năm, cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh, cùng nhau trò chuyện, cười nói cho đến tận đêm khuya. Khi bánh chín, bà Bé lựa chọn những cặp bánh đẹp nhất để đặt lên bàn thờ gia tiên và làm quà biếu cho người thân. Bà cũng không quên sửa soạn một mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ vào chiều 30 Tết. Theo bà Bé, mâm ngũ quả gia đình làm luôn có nhánh chuối xanh bên dưới, một quả bưởi vàng đặt giữa nhánh chuối và điểm thêm vài quả táo đỏ, lê, quýt vàng xen kẽ nhau. Dù cách lựa chọn, bày trí quả ở mỗi vùng miền khác nhau nhưng đều thể hiện lòng kính trọng với gia tiên, cầu một năm an lành, hạnh phúc.

Đã nhiều năm nay, cứ đến đêm 30 Tết, gia đình ông Nguyễn Lĩnh Cường (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) cùng người dân trong xóm lại đốt một đống lửa lớn trước cổng nhà để xua đi những điều xui rủi cuối năm, cũng như hy vọng mang lại sức sống cho năm mới. Sau khi làm xong mâm cúng, mọi người quây quần bên những đống lửa, cùng nhau ôn lại một năm đã qua, chỉ khi gần đến giao thừa ai nấy mới trở vào nhà để chào đón thời khắc thiêng liêng và chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên đến “xông đất” nhà mình. “Người Việt quan niệm, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày đầu năm mới thì cả năm cũng sẽ được thuận lợi. Sự quan trọng của người đầu tiên đến thăm gia đình vì thế càng được nhân lên. Nếu đó là người hợp tuổi với gia chủ sẽ mang lại bình an, hạnh phúc cho gia đình. Đối với nhiều gia đình Việt, người “xông đất” thường là anh em, họ hàng, nhưng cũng có những chủ nhà kĩ tính, họ sẽ chọn để nhờ một người “hợp tuổi” với mình bước vào nhà đầu tiên trong năm mới”, ông Cường chia sẻ.

Được nhận lì xì dịp Tết là niềm hạnh phúc của con trẻ.

Ở Việt Nam, tục lệ “xông đất đầu năm” đã có từ xa xưa, thể hiện khát vọng thịnh vượng, hạnh phúc của mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về. Cùng với đó, mừng tuổi (lì xì) đầu năm cũng đã trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống mang đậm phong vị ngày Tết. Người lớn lì xì trẻ nhỏ để chúc chăm ngoan, khỏe mạnh; mừng tuổi người cao niên để cầu mong họ sống lâu cùng con cháu; lì xì bạn bè để đón một năm thành công. Mọi người cùng chúc nhau những lời ý nghĩa, tốt đẹp nhất.

Trải qua bao thăng trầm, dù cuộc sống ngày nay tuy bận rộn và có phần sung túc, đủ đầy hơn, nhưng những phong tục truyền thống, nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền vẫn được gìn giữ, hướng chúng ta nhớ về cội nguồn và cầu một năm may mắn, hạnh phúc.

Huyền Diệu - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.