Multimedia Đọc Báo in

Vững lòng đi qua tháng ngày giông bão

08:29, 14/08/2021

Đại dịch COVID-19 không chỉ là hiểm họa đe dọa đến sức khỏe và sinh mệnh con người mà còn gây ra nhiều bất ổn, làm đảo lộn cuộc sống của nhân loại trên khắp hành tinh. Cả thế giới đang chao đảo vì những làn sóng của đại dịch liên tiếp ập đến với sự tàn phá ngày càng khốc liệt.

Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đã phải chịu những tổn thất nặng nề kể từ khi đại dịch này xuất hiện và bùng phát. Ngoài việc gây nên những bất an, lo lắng bởi mối hiểm nguy luôn bủa vây rình rập, dịch bệnh còn phá vỡ sự bình yên của cuộc sống, khiến biết bao người rơi vào cảnh lao đao, hoạn nạn khi bất ngờ gặp phải tai ương.

Với quyết tâm hành động “Toàn dân chống dịch”, nhân dân cả nước đã chung sức đồng lòng trong cuộc chiến chống “kẻ thù giấu mặt” COVID-19. Chúng ta đã được chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều việc làm mang ý nghĩa nhân văn của các giai tầng trong xã hội khi tất cả đều hướng tới một ước vọng lớn lao là chiến thắng và đẩy lùi dịch bệnh. Không ít y bác sĩ dù đã nghỉ hưu những vẫn xung phong gia nhập đội hình “những chiến sĩ áo trắng” với tâm nguyện “chia lửa” cùng đồng nghiệp và tham gia cứu chữa bệnh nhân. Nhiều bạn trẻ khát khao cống hiến đã viết đơn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch. Biết bao người dân và các nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ, quyên góp tiền bạc, lương thực, nhu yếu phẩm gửi tặng đồng bào mình ở vùng tâm dịch, vùng bị phong tỏa, các khu cách ly đang gặp khốn khó và cần sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng...

Để ngăn chặn tốc độ lan truyền khủng khiếp của vi rút SARS-CoV-2, nhiều tỉnh thành đã phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một biện pháp tình thế quan trọng trong thời điểm gian nan này nhằm hạn chế sự lây lan và tiến tới khống chế được dịch bệnh.

Đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 (đoạn qua địa bàn xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vân Anh

Khi thực hiện cách ly xã hội, tất cả mọi người buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Dẫu biết rằng việc phải ở nhà suốt ngày và chỉ đi ra ngoài khi thật sự cần thiết sẽ nảy sinh những bất tiện, khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng đây lại là cách hữu hiệu để tránh nguy cơ lây lan, nhiễm bệnh khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hầu hết mọi người đều đồng tình, tự giác thực hiện những quy định này như là một cách chung sức chống dịch.

Trong khi người dân cả nước đồng thuận chấp hành các biện pháp phòng dịch thì lại có một bộ phận không tuân thủ hoặc tỏ thái độ phản kháng. Những người này cho rằng việc thực hiện cách ly xã hội khiến họ bị bó buộc, không được tự do thoải mái trong sinh hoạt, hưởng thụ... Nhiều người trong số đó kêu ca phàn nàn rằng cuộc sống vật chất của họ không được đủ đầy như trước đây khi chưa có dịch. Thậm chí không ít người còn lên mạng xã hội than vãn đủ điều, tựa hồ như họ là người đang bị thiếu khổ nhất trên thế gian này.

Những trường hợp đáng trách như thế không phải là ít và nhiều người vi phạm đã phải nhận hình phạt răn đe của cơ quan chức năng. Đó là những con người vị kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm tới mọi người xung quanh. Họ đâu chịu hiểu, trong khi bản thân mình được sống yên ổn thì vẫn còn nhiều phận người khắc khoải lo từng bữa ăn giữa “cuồng phong” dịch bệnh; bao người đang phải ngày đêm đối mặt với gian nan, hiểm nguy nơi tuyến đầu chống dịch; nhiều bác sĩ phải làm việc đến kiệt sức để cứu những ca bệnh nguy kịch thoát khỏi lưỡi hái tử thần... Họ nên biết rằng nhiều bệnh nhân COVID-19 lâm vào tình trạng hiểm nghèo đang phải thở máy, đau xót hơn có những người bệnh mãi mãi không còn cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình! Phải hiểu như thế để nhớ rằng mình là người may mắn gấp vạn lần khi đang được bình an, khỏe mạnh để sớm mai thức dậy vẫn còn được thấy mặt trời!

Nữ văn sĩ người Mỹ Hellen Keller có một câu tự bạch nổi tiếng đầy tính triết lý nhân sinh: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Câu nói ấy mang ý nghĩa của một thông điệp hàm chứa bài học về cuộc sống: Chúng ta phải biết chấp nhận, biết hài lòng với những gì mình đang có. Những khó khăn, chông gai mà ta gặp phải sẽ chẳng là gì nếu so với những khổ đau, bất hạnh của bao người khác. Vì thế, khi gặp thách thức, thậm chí là thất bại thì đừng vội nản lòng, buông xuôi, mà hãy can đảm tiếp tục chiến đấu với thử thách, giành lấy cơ hội để đạt được sự thành công trong cuộc sống.

Ý chí và niềm tin chính là nguồn lực nội sinh giúp con người vượt qua phong ba bão táp, biết cách thích nghi và tồn tại trong mọi hoàn cảnh dù có nghiệt ngã đến nhường nào. Đại dịch COVID-19 là một “phép thử” đối với nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này. Với ý chí và bản lĩnh đã được tôi rèn trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Việt Nam đang kiên cường chiến đấu chống “kẻ thù” COVID-19. Niềm tin chiến thắng, đẩy lùi đại dịch chính là sức mạnh tinh thần giúp chúng ta vững lòng đi qua những tháng ngày giông bão.

Quang Ánh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.