Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác tình trạng mạo danh các sàn giao dịch điện tử để lừa đảo

07:04, 28/03/2022

Mua sắm online trên các sàn giao dịch điện tử hiện nay rất phổ biến. Lợi dụng xu hướng này, một số đối tượng “đội lốt” nhân viên của những sàn giao dịch như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…, với danh nghĩa tuyển dụng cộng tác viên (CTV) bán hàng online, kèm theo mức hoa hồng hấp dẫn để thực hiện hành vi lừa đảo.

Từ cuối năm 2021, một số người dân nhận được tin nhắn xưng là giám đốc marketing của sàn thương mại điện tử Lazada, cần tuyển nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng. Tin nhắn cho hay ứng viên “dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và nhận tiền ngay trong ngày”. Nghĩ rằng sau thời gian dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng phụ bán hàng online sẽ tăng nên không ít người đã làm theo hướng dẫn và bị mất thông tin cá nhân.

Gần đây, các đối tượng lừa đảo có thêm những thủ đoạn tinh vi hơn. Những quảng cáo đăng tuyển CTV làm việc online với mức lương hấp dẫn được đăng tải thường xuyên, rầm rộ trên mạng xã hội. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu CTV phải thanh toán đơn hàng trước rồi mới nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng). Để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… của một sản phẩm khoảng 1 - 2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.

Ảnh internet
(Ảnh internet)

Khi nạn nhân đã tin tưởng và chuyển số tiền lớn dần lên thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa. Chúng đưa ra nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như “nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm”. Cứ như vậy, nhiều người lại tiếp tục chuyển tiền và số tiền bị lừa lại càng tăng lên. Chỉ sau vài ngày, nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" lừa đảo với số tiền không nhỏ.

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng với những chiêu thức, thủ đoạn mới và rất tinh vi. Các đối tượng thường không có địa chỉ thực tế nên khó kiểm soát và việc truy tìm rất khó khăn. Vì vậy, khi gặp phải tình huống này, người bị hại nên trình báo sớm với cơ quan chức năng. Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện hành vi lừa đảo là thu thập tất cả các thông tin như: nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để tố giác với cơ quan có thẩm quyền.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu có tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế..., thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng, tuyệt đối không nên tham gia đầu tư trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Đặc biệt, khi làm CTV cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.