Multimedia Đọc Báo in

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Sẵn sàng trước “thời khắc lịch sử”

08:21, 18/07/2022

Trước thông tin vui Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này vào ngày 11/7 khiến các doanh nghiệp (DN), người nông dân, chính quyền các địa phương rất vui mừng và đang có những chuẩn bị nhất định.

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa mới bước vào chính vụ thu hoạch nhưng thời gian này, vườn sầu riêng hơn 2 ha của gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy, ở buôn Dung (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) ngày nào cũng có thương lái hỏi mua. Theo chị Thúy, sầu riêng năm nay mất mùa, năng suất đạt khoảng 25 tấn, giảm gần một nửa so với năm trước nhưng bù lại giá bán lại đang lên từng ngày.

Sầu riêng được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn thu mua để xuất khẩu.

Hiện nay, các thủ tục để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đang được cơ quan chức năng ráo riết thực hiện nên gia đình chị Thúy vui mừng, bà con nông dân trong vùng cũng rất phấn khởi. Mùa sầu riêng năm ngoái, người dân nơi đây bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá mua đầu mùa ngay tại vườn đã cao gần gấp đôi. Theo tính toán của chị Thúy, với giá như hiện nay (dao động từ 40.000 - 50.000/kg), vụ sầu riêng này gia đình chị thu về hơn 1 tỷ đồng, tăng 300 triệu đồng so với vụ trước.

Chị Thúy hồ hởi nói: “Lâu nay, đến mùa sầu riêng, người dân chúng tôi chỉ biết bán cho thương lái, còn sau đó xuất khẩu đi đâu thì không được rõ, giá cả thì bấp bênh lắm. Nếu sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì giá cả ổn định, khi đó chúng tôi có điều kiện đầu tư, đồng thời tuân thủ các quy trình canh tác để cây cho quả đạt chất lượng xuất khẩu”. 

Tương tự, gia đình ông Đỗ Viết Hùng (ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) có hơn 10 ha sầu riêng trồng từ năm 2017 cũng sắp vào thời điểm thu hoạch. Năm ngoái, gia đình ông thu lứa đầu được hơn 110 tấn bán với giá 25.000 đồng/kg. Theo ông Hùng, sầu riêng trước giờ đều được thương lái thu mua, giá cả bấp bênh. Để có sản phẩm chất lượng, gia đình ông trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, chú trọng sử dụng phân bón vi sinh... "Trung Quốc yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại. Tôi đã liên kết với DN xuất khẩu sầu riêng để được cấp mã vùng trồng, qua đó mọi thông tin về cây sầu riêng đều được thể hiện trên đó", ông Hùng chia sẻ.

Người dân huyện Krông Pắc thăm vườn sầu riêng.

Không chỉ người trồng sầu riêng vui mừng mà các DN thu mua, chế biến xuất khẩu sầu riêng cũng rất phấn khởi khi Nghị định thư được ký kết. Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc), đây cơ hội đối với các DN xuất khẩu sầu riêng bởi trước khi có Nghị định thư này, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Khi xuất khẩu, các DN phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao và lợi nhuận thu về ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch.

Ông Trung cho biết: “Từ năm 2020, chúng tôi đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với 33 mã số vùng trồng cho 1.160 ha; và có 9 cơ sở đóng gói với diện tích mặt bằng xưởng gần 60.000 m2, có thể đáp ứng năng lực thu mua những vùng liên kết với sản lượng 200.000 tấn mỗi năm. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã liên kết với 20 hợp tác xã, quy mô hơn 6.000 ha. Trong đó, công tác hoàn thiện các thủ tục về mặt hồ sơ vùng nguyên liệu để được cấp mã số vùng trồng đã hoàn thiện hồ sơ hơn 2.500 ha”.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 17.000 ha sầu riêng, trong đó khoảng 15.000 ha cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 140.000 tấn. Bình quân mỗi năm có đến 70% sản lượng sầu riêng Đắk Lắk xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Huyện Krông Pắc là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất với hơn 4.000 ha, khoảng 2.500 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 45.000 - 50.000 tấn mỗi năm.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho hay, sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với vùng trồng sầu riêng của huyện. Hiện nay, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng tập thể. Vì vậy, huyện thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng, để khi xuất khẩu chính ngạch thì phải bảo đảm yêu cầu của phía bên nhập khẩu. Trong thời gian qua, huyện cũng đã tích cực thực hiện các tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn VietGAP, hướng bà con cách trồng hữu cơ. Bên cạnh đó là đăng ký mã vùng trồng, hiện nay đã được cấp 1.040 ha mã vùng trồng và đang tiếp tục đề xuất cấp khoảng 1.000 ha nữa.

Thị trường Trung Quốc đã mở, nhưng để sản phẩm sầu riêng có "chỗ đứng" vững chắc thì người trồng và xuất khẩu sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung cần phải tuân thủ đầy đủ các nội dung đã ký kết.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.