Multimedia Đọc Báo in

Phú Quốc và câu chuyện phát triển du lịch bền vững

07:00, 17/07/2022

Mấy ngày qua, mưa gió, bão bùng đã khiến hơn 40 nghìn du khách mắc kẹt lại ở Phú Quốc khiến chính quyền tỉnh Kiên Giang và đảo ngọc Phú Quốc phải “đau đầu” tìm cách bảo đảm cho các nhu cầu của du khách.

Tôi cho rằng, sự cố này cũng là liều “thuốc thử” khá cao cho chính quyền và người dân Phú Quốc để biến thách thức thành cơ hội, góp phần chuyển tải thông điệp hòn đảo tuyệt vời này luôn là điểm đến an toàn, dù xảy ra rủi ro nào. Muốn thế, ngay lúc này, điều cấp bách nhất là chính quyền Phú Quốc phải phối hợp với các cơ sở kinh doanh có chính sách hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Giảm giá dịch vụ lưu trú và ăn uống, thăm hỏi động viên để khiến du khách cảm thấy ấm áp, thực sự được chia sẻ. Cùng đó, các hãng lữ hành thay vì than thở, phải đặc biệt quan tâm đến khách hàng của mình đang chịu nhiều tổn thất vật chất lẫn tinh thần. Tóm lại, để sau sự cố bị kẹt, du khách coi đó là chuyện của ông trời, để trong tim vẫn còn nguyên sự nồng nhiệt sẽ còn quay trở lại, thay vì ngán ngẩm, thậm chí “chết khiếp”!

Có thể nói, sau khi mở cửa du lịch trở lại, đảo ngọc Phú Quốc chính là một trong những điểm đến được ưa thích nhất. Phú Quốc hiện là một trong những điểm đến đông khách du lịch nhất Việt Nam sau COVID-19. Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách tới Phú Quốc đạt gần 2,4 triệu lượt, đạt 63% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 8.520 lượt.

Phát triển “nóng” về du lịch trong những năm qua song Phú Quốc vẫn còn quá nhiều việc phải làm để trở thành một địa chỉ mê hoặc du khách. Như vấn đề nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả chính quy và cộng đồng tại Phú Quốc.

   Mặc dù Phú Quốc có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, rất có tiềm năng, nhưng có thể nói là việc khai thác mới chỉ ở mức độ hết sức giản đơn, hiệu quả khai thác còn thấp, tính bền vững không cao. Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch nhân tạo đã và đang có những tác động không nhỏ tới tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như môi trường hết sức nhạy cảm của đảo.

  Du lịch Phú Quốc phát triển nhanh chóng trong khi hệ thống hạ tầng môi trường cũng như kỹ thuật không theo kịp, ngay cả cảng hàng không quốc tế cũng bị quá tải. Cùng với sự gia tăng dân số, đặc biệt là gia tăng cơ học đã gây ra những sức ép hết sức to lớn đối với môi trường tự nhiên đảo Phú Quốc. Cùng lúc đó, người dân địa phương và bộ máy quản lý chưa được chuẩn bị kỹ tâm thế, kỹ năng để có thể đón nhận một cách hiệu quả, tích cực các cơ hội kinh tế do du lịch mang lại, cũng như đối mặt với những vấn đề, thách thức về môi trường và xã hội trong quá trình phát triển.

  Các đóng góp của phát triển du lịch đối với cộng đồng chưa tương xứng, người dân chưa được tham gia hiệu quả vào chuỗi cung du lịch; chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận của du lịch với người dân và đóng góp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Phú Quốc “nóng” bất thường gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống kinh tế – xã hội, cản trở các nỗ lực phát triển bền vững của đảo.

Đấy cũng là những vấn đề chung cần sớm được giải quyết không chỉ của Phú Quốc mà cả các địa phương khác có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.