Multimedia Đọc Báo in

Người hết lòng vì mảnh đất Dur Kmăl

09:23, 06/02/2022

Với bản tính cần cù, chịu khó cùng tư duy đổi mới sáng tạo, từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã từng bước gây dựng cơ nghiệp, nỗ lực góp phần đưa vùng quê mình sinh sống ngày càng khởi sắc.

Sáng tạo trong phát triển kinh tế

Rời quê hương Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp năm 1991, ông Nguyễn Văn Sanh bén duyên với mảnh đất thôn Buôn Triết và tiếp tục gắn bó với ruộng đồng. Sau gần 30 năm nỗ lực, cố gắng, từ việc phải thuê đất trồng lúa, đến nay ông đã có 40 ha đất canh tác cây lương thực.

Ông Nguyễn Văn Sanh thăm cánh đồng lúa của gia đình.

Với sự nhạy bén, năm 2006, ông Sanh đã nảy sinh ý tưởng bơm nước sông vào 2 ha ruộng trũng của gia đình để trữ nước sản xuất trong mùa khô, đồng thời nuôi cá tăng thêm thu nhập. “Sau khi kết thúc vụ đông xuân, khoảng từ tháng 4, tôi sẽ thả 3 tấn cá giống các loại: trắm, chép, mè, bống, lóc, rô phi… vào chân ruộng để nuôi. Cách nuôi này ít phải đầu tư thức ăn bởi có thể tận dụng lượng thức ăn từ đồng ruộng. Trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp giảm chi phí về phân bón vụ lúa tiếp theo. Mỗi năm, mô hình cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa thu từ 8 - 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng”, ông Sanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dur Kmăl cho biết, cánh đồng thôn Buôn Triết có nhiều diện tích ở vùng trũng, mùa khô bị hạn thường bỏ hoang, không canh tác được. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Sanh là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ dân học hỏi và áp dụng, giúp tăng thu nhập và cải thiện môi trường sinh thái.

Cùng với sáng tạo trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Sanh còn tích cực trong các hoạt động xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới như: đóng góp 42 triệu đồng để làm mái che cho Trường Mầm non Hoa Pơ Lang và hỗ trợ 60 triệu đồng mua đất xây dựng hội trường thôn Buôn Triết; ủng hộ hàng chục tấn gạo cho các hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Nỗ lực đưa hợp tác xã vươn xa

Năm 2006, ông Sanh đứng ra thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình. Được chính quyền địa phương giao cho tiếp quản hai trạm biến áp và hai máy bơm phao, ông Sanh vận động các thành viên đóng góp vốn, đầu tư xây dựng 6 trạm biến áp, 40 km đường dây hạ thế, lắp đặt 90 máy bơm trải dài trên cánh đồng từ thôn Buôn Triết đến các buôn Krông, buôn Kmăl, buôn Tu 1 (xã Dur Kmăl) để phục vụ bà con sản xuất. Nhờ vậy, trong những đợt nắng hạn kéo dài, cánh đồng buôn Triết đảm bảo được nguồn nước, mang lại hiệu quả kinh tế. Đời sống người dân thôn Buôn Triết ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình kéo điện về chân ruộng giúp bà con nông dân sản xuất .

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xuất khẩu, năm 2020, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với nguồn vốn đầu tư 10 tỷ đồng. Mô hình được thực hiện trên 130 ha, riêng tại cánh đồng thôn Buôn Triết, buôn Krông, buôn Tur 1, buôn Kmăl (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) triển khai 100 ha, còn lại là tại các cánh đồng thuộc xã Đắk Liêng (huyện Lắk); có 53 xã viên và 19 hộ nông dân tham gia. HTX cung cấp giống, phân bón cho các thành viên, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, cuối vụ HTX thu mua, chế biến, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài  tỉnh để tiêu thụ. Đến nay, các cánh đồng cho năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha.

Xã Dur Kmăl có 7 thôn, buôn, tổng diện tích lúa nước của xã hơn 2.000 ha, riêng thôn Buôn Triết chiếm gần 50% diện tích. Những năm qua, cánh đồng thôn Buôn Triết mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 8.000 - 9.000 tấn lúa. Ông Trần Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl cho biết: “Trước nay bà con nông dân, xã viên HTX chủ yếu sản xuất theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, lạm dụng phân hóa học nhiều nên giá lúa bán ra rẻ, không những thế còn gây ô nhiễm môi trường. Nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là một tín hiệu đáng mừng”.

Nỗ lực trong sản xuất, điều ông Sanh trăn trở là chưa thể có kinh phí kéo điện, lắp trạm bơm đưa nước qua những vùng đồi ở những buôn xa của xã chưa có nước để giúp bà con sản xuất hai vụ. Ông cũng mong muốn mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ thành công và thương hiệu gạo Thanh Bình sẽ sớm được vươn xa khắp các tỉnh thành trong nước, từ đó giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sanh đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017 - 2021. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình cũng được UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thanh Nga - Nguyễn Huyền

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.