Multimedia Đọc Báo in

Mùa vàng bên dòng xanh

06:47, 04/02/2022

Bên dòng Krông Ana, tiếp nối thành quả khai hoang của những người đi trước, lớp lớp người dân từ nhiều vùng quê đã kề vai sát cánh giữ cho cánh đồng tại xã Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) thêm màu mỡ. Tình yêu quê hương đất nước, sự cần cù, chăm chỉ, tư duy đổi mới, sáng tạo đã làm nên những mùa vàng bội thu.

Nhớ một thời đi mở đất

Ngồi trong căn nhà khang trang ở thôn Liên Kết 2 (xã Buôn Tría), chỉ ra đống lúa trước sân được chất cao hơn đầu người, ông Nguyễn Tôn Đẫm (SN 1939) phấn khởi: “Từ chỗ phải ăn độn, ăn đong từng bữa, nay được ăn gạo thơm, gạo dẻo lại có dư bán để tích cóp xây nhà, mua xe, lo cho con ăn học, tất cả đều nhờ cây lúa”.

Đối với ông Đẫm, cuộc di dân đi xây dựng kinh tế mới năm 1977 của 54 hộ dân huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) vào huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) như một dấu mốc lịch sử. Giai đoạn đó, phong trào đi xây dựng kinh tế mới rất sôi nổi. Là đảng viên, ông Đẫm xung kích hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy, chính quyền, quyết tâm cùng mọi người đi mở đất. Dần dần nhiều hộ khác của tỉnh Thái Bình cũng vào theo, sinh sống khắp xã Yang Bung (cũ), rồi tách ra thành lập xã Buôn Tría và xã Buôn Triết (ngày nay).

Các đơn vị phối hợp tổ chức phun thuốc bằng thiết bị bay cho cánh đồng lúa rộng lớn tại xã Buôn Tría (huyện Lắk).

Để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, các chi bộ đảng, đội sản xuất nhanh chóng được thành lập. Là Đội trưởng Đội sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết 1, ban ngày, ông Đẫm chỉ đạo, động viên bà con phát quang cây cối, bụi rậm để mở đường, dọn lau sậy mở rộng đồng ruộng. Ban đêm, ông tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để bà con vơi đi nỗi nhớ nhà. Màu xanh của cây lúa dần phủ lên những cánh đồng lau sậy, làm trù phú thêm cuộc sống những buôn làng bên dòng Krông Ana. Các hộ cùng nhau sản xuất, sản phẩm nộp về cho hợp tác xã. Mỗi hộ được cấp gạo ăn theo nhân khẩu.

 

“Đến nay, các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa 100%. Tại hai xã Buôn Tría và Buôn Triết, các hợp tác xã đã triển khai thí điểm máy cấy, tổ chức phun thuốc bằng thiết bị bay. Huyện cũng đang tập trung triển khai các bước tiến tới xây dựng thương hiệu lúa huyện Lắk vào năm 2025”.

 
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang

Anh Nguyễn Trọng Biết (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría) cùng gia đình rời Thái Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1978. Khi ấy, anh mới tròn 7 tuổi, và ký ức tuổi thơ là những bữa ăn cơm độn triền miên mà vẫn chẳng đủ no. Những đứa trẻ vùng quê xa ngày ấy thiếu thốn đủ thứ. Ngoài giờ học, trẻ con đều phải ra đồng phụ bố mẹ cuốc đất, làm cỏ. Không có hệ thống thủy lợi, ruộng 1 vụ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, người dân phải dùng gàu tát nước vào đồng ruộng. 

Bắt ruộng đồng đẻ lúa mùa khô

Quyết định đổi mới của Đảng năm 1986, xóa bỏ cơ chế bao cấp là bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân. Hợp tác xã giải thể, các hộ được chia ruộng tự làm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tư duy cũ,  “sức ì” trong tư tưởng người dân vẫn rất lớn, chưa tự tìm cách để bứt phá. Nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang vào mùa khô vì không  có vốn đầu tư, không có nước tưới.

Chứng minh cho câu chuyện của mình, anh Biết đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng nơi trước kia chỉ trồng được lúa 1 vụ và kể lại hành trình đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Với suy nghĩ đất chật, người đông nên phải tìm cách bắt đất làm việc gấp đôi, năm 1993, anh Biết quyết định “liều” rủ thêm một số anh em vay 4 cây vàng đầu tư mua máy cày và máy bơm nước, rồi mượn 3 ha ruộng bỏ không vào mùa khô để trồng lúa. “Lúc đó, dân làng xì xầm to nhỏ, bảo mình bị điên, đổ một đống tiền vào đồng ruộng nứt nẻ. Nhưng nếu không dám nghĩ, dám làm những thứ khác người thì sao tạo nên kỳ tích”, anh Biết chia sẻ.

Đã quá quen với “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”, lần đầu tiên người dân địa phương nhìn thấy hình ảnh mới lạ trên đồng ruộng. Máy cày xới tung đất, máy bơm nước chạy xình xịch ngày đêm dẫn nước vào đồng ruộng. Vụ đông xuân năm ấy, nhóm của anh Biết trúng lớn, năng suất lúa đạt gần 6 tấn/ha. Kỳ tích bắt đồng ruộng đẻ lúa vào mùa khô đã thúc giục người dân học và làm theo. Nhà nhà đầu tư mua máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: Bảo Hưng

Hệ thống đập thủy lợi, kênh mương dần hoàn thiện. Các hợp tác xã kiểu mới được thành lập vừa kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vừa điều tiết, bảo đảm nước tưới tiêu. Xã triển khai, thực hiện chủ trương đưa các giống mới, năng suất cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu từ cây lúa với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Nguyễn Trọng Biết tự hào: “Cánh đồng “huyền thoại” trước kia do Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo, trực tiếp tổ chức khai phá đã được duy trì, giữ vững màu xanh. Những mùa vàng bội thu đã tạo nên cuộc sống no ấm, đủ đầy cho người dân nơi đây”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.