Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hội nghị quân sự Trung Giã - cơ sở pháp lý để giải phóng miền Bắc, tiếp quản Thủ đô Hà Nội

08:30, 10/10/2022

Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Chính phủ của ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, chính thức được mời họp.

Cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị diễn ra gay gắt và phức tạp do lập trường thiếu thiện chí của Pháp – Mỹ. Lập trường của Chính phủ ta là đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương, giải quyết vấn đề quân sự và chính trị cùng lúc cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự hội nghị ký chính thức.

Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp phải hoàn thành sớm việc rút quân ở miền Bắc

Hội nghị quân sự Trung Giã (nay là xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra từ ngày 4/7/1954 đến ngày 27/7/1954 là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng Chỉ huy lực lượng Liên hiệp Pháp. Hội nghị khai mạc trong khi đang diễn ra Hiệp định tại thành phố Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Đây là hội nghị có tầm quan trọng lớn bởi nó phải giải quyết được vấn đề ngừng bắn của cuộc chiến tranh, các quy chế trao trả tù binh, thường dân bị bắt trong chiến tranh, việc tiếp quản thành phố Hà Nội…

Vấn đề đầu tiên chúng ta đặt ra là việc ngừng bắn, đây là vấn đề phức tạp bởi đối với quân đội Pháp là người không mời mà đến, đã gieo rắc căm hờn cho các dân tộc ở Đông Dương gần một thế kỷ qua, trong khi đó phía Việt Nam, Lào, Campuchia là cuộc chiến tranh nhân dân, chính nghĩa, vì độc lập, tự do. Vì thế muốn thực hiện ngừng bắn đúng thời hạn cần truyền đạt kịp thời lệnh ngừng bắn đến các chiến binh chính quy, du kích ở đồng bằng cũng như vùng rừng núi, đô thị và nông thôn, đây là việc làm cần có sự phối hợp của lực lượng vũ trang hai bên một cách chặt chẽ và hợp lý.

Để thực hiện ngay vấn đề đã được thống nhất, phía Việt Nam phải dùng máy bay của không quân Liên hiệp Pháp để rải các bản in hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhật lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại các chiến trường xa. Cùng với các lệnh ngừng bắn còn phải phổ biến vấn đề tập kết quân, chuyển giao khu vực.

Vấn đề thứ hai là việc nhân đạo cần thực hiện ngay là chăm sóc thương binh và trao trả tù binh. Sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp lo cho số phận 858 thương binh bị bắt, nên khi đến Giơ-ne-vơ, Ngoại trưởng Pháp Do-dơ Bi-đôn nêu vấn đề chuyển thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ với Mô-lô-tôp, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô, nhưng Mô-lô-tôp nói vấn đề đó thuộc thẩm quyền Việt Nam.

Để bảo đảm an toàn tính mạng con người, nhất là những thương binh của Pháp, ngày 10/5/1954, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng công bố Quyết định cho chuyển tất cả 858 thương binh về Hà Nội để có điều kiện chăm sóc, bảo đảm an toàn tính mạng. Tại Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến sự ở Việt Nam được ký kết quy định ngừng bắn ở Bắc Bộ ngày 27/7/1954, ở Trung Bộ ngày 1/8/1954, ở Nam Bộ 11/8/1954, ở Lào ngày 6/8/1954 và ở Campuchia 7/8/1954.

Hội nghị Trung Giã kết thúc ngày 27/7/1954 cũng là ngày ngừng bắn ở Bắc Bộ. Hai phái đoàn thông qua thông cáo chung, là kết quả hài lòng của cả hai bên. Những kết quả đạt được trong hội nghị hết sức quan trọng là giải quyết vấn đề ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sáng 10/10/1954, cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tiếp quản Thủ đô Hà Nội

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh, từng bước rút hết quân đội về nước. Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp cả hai bên đàm phán và đi đến thống nhất để nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Thủ đô. Tại Phủ Lỗ (nay là xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từ ngày 15/9/1954 đến 20/9/1954, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập để tiếp quản và quản lý thành phố.

Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới tiếp quản, “chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật với bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới tiếp quản; Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về tiếp quản Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”.

Ngày 30/9/1954 theo Hội nghị quân sự Trung Giã, đại diện quân chính Việt Nam và Pháp chuyển giao Hà nội về quân sự; ngày 2/10/1954 chuyển giao Hà Nội về hành chính. Các hoạt động chuyển giao trên nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động ở thành phố.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Ngày 10/10/1954 là ngày chính thức tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hàng vạn người dân đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào quân giải phóng, ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc