Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

11:15, 26/09/2022

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, lần đầu tiên, người lao động làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội.

Có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng. Thực tế, từ khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, Người đã nhận thấy “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật... Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất…”.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918_Ảnh: Tư liệu TTXVN
V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tập hợp quần chúng nhân dân đấu tranh với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp. Đỉnh cao là cuộc đấu tranh bạo động của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh, Bến Thủy phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai. Bên cạnh đó, hàng vạn người dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuống đường đấu tranh để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 13 với những nội dung như: ủng hộ Xô Nga; bảo vệ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết...

Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Nhiều cấp ủy Đảng ở thôn, xã lãnh đạo nhân dân đứng lên tự quản lý đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, làm chức năng của chính quyền, gọi là “Xô viết”. Có thể thấy, so với các hình thức Xô viết trong lịch sử thế giới như: Công xã Paris năm 1871 (chỉ tồn tại trong 72 ngày), Công xã Quảng Châu năm 1927, Xô viết Nga năm 1905, Xô viết Bavie, Đức năm 1919… Xô viết Nghệ Tĩnh đã tồn tại trong 7 tháng và dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ.

Theo đó, sau khi ra đời, chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh đã ban bố và thi hành nhiều chủ trương, chính sách đem lại nhiều lợi ích chính đáng cho nhân dân như phá bỏ bộ máy chính quyền cùng những luật lệ cũ của thực dân, phong kiến, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; thi hành nhiều biện pháp tích cực như tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công đem chia cho dân cày nghèo; bãi bỏ các thứ thuế vô lý như thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối; xóa nợ cho người nghèo và thực hiện giảm tô; sách báo và tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi. Nhận định về cao trào đấu tranh và sự ra đời của các Xô viết ở Nghệ An – Hà Tĩnh, Trung ương Đảng viết “Đây là lần đầu tiên dân cày, thợ thuyền và lính khố xanh đã siết chặt tay nhau trên chiến trường, đoàn kết lại để hình thành một thể duy nhất, một đạo quân duy nhất… Cuộc đấu tranh quyết liệt của dân cày và công nhân Nghệ An mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh để xóa bỏ giai cấp, kỷ nguyên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, thói bạo ngược của bọn cường hào quan lại”. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Nếu không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó công nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình, thì không thể có cao trào những năm 1936 – 1939”.

Những thành tựu mà Cách mạng Tháng Mười đem lại cho nhân dân Nga và nhân dân tiến bộ trên thế giới vẫn luôn ngời sáng, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ngày nay, dù tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng học thuyết Mác - Lênin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho con đường cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Trang nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.