Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn đại ngàn trong hành trình mở cõi đất phương Nam

11:17, 26/09/2022

Mặc dù các triều đại phong kiến trước đó ở nước ta đã “để mắt” tới Tây Nguyên nhưng phải đến thời nhà Nguyễn thì địa bàn này mới thực sự trở thành mối quan tâm trong hành trình mở cõi về phương Nam.

Vào thời ấy, khu vực Tây Nguyên tiếp giáp tỉnh Phú Yên ngày nay có hai nước nhỏ là Thủy Xá và Hỏa Xá (đúng ra là hai bộ tộc với hai tù trưởng gọi là Quốc trưởng) thần phục triều Nguyễn. Ngay từ thời vua Gia Long, hai nước này đã triều cống triều đình và được triều đình ban thưởng. Các triều vua sau cũng duy trì mối quan hệ bang giao gần gũi, tuy cũng có những lúc sóng gió.

Năm 1834, vua Minh Mạng xuống dụ: “Nước Thủy Xá ở vùng xa xôi, không từ gian hiểm, chiếu theo hạn kỳ triều cống thật đáng khen, trẫm chuẩn cho lần này nước ấy được đến kinh đô chiêm cận để ủy lạo lòng của kẻ ở xa”. Nhà vua còn nói thêm khá rõ thể hiện sự tôn trọng và tinh thần hòa hiếu: “Trẫm nghĩ nước đó ở vào một góc xa xôi, thắt nút dây mà cai trị, tự cày cấy mà làm ăn, phong tục còn theo thời thượng cổ, nhưng người đều có đủ tóc và răng như chúng ta, ắt phú bẩm cho họ cũng có năng trí thì sao lại không có thể giúp cho họ làm lành được?”

Lúc đầu triều đình chủ yếu lập quan hệ bang giao theo kiểu nước lớn với nước nhỏ, đặt quan để chủ yếu thu thuế và xúc tiến thương mại. Về sau khi đã có điều kiện thuận lợi hơn thì tổ chức di dân, mở rộng quan hệ kinh tế thông thương và phát triển giữa miền xuôi và miền ngược.

Theo “Đại Nam thực lục chính biên” thì năm 1819, Tả quân Lê Văn Duyệt được vua Gia Long phái đến vùng đất Tây Nguyên ngày nay để dẹp loạn, sau đó đắp lũy sơn phòng từ Trà Bồng đến An Lão để lo việc phòng bị quân sự. Các viên quan khác như Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Công Tuấn đã cho người dạy đồng bào Tây Nguyên cày bừa bằng trâu, bò, lập đồn điền, khai hoang lập ấp, khuyến khích trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Vào năm 1832, triều đình còn tạo điều kiện cho thiếu niên người Kinh dưới 16 tuổi học tiếng các dân tộc Tây Nguyên để có thể giao lưu với đồng bào miền núi. Những người này khi đã thạo tiếng đồng bào thiểu số Tây Nguyên thì được triều đình phong cho hàm Bát phẩm.

Việc di dân người Kinh lên Tây Nguyên được nhà Nguyễn tiếp tục thực hiện qua các triều vua, cho đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại thì quản đạo Đà Lạt là Phạm Khắc Hòe vốn người Hà Tĩnh vẫn vận động và đưa đồng bào lên Đà Lạt lập nên ấp Nghệ Tĩnh.

Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến trong đó có nhà Nguyễn thì sẽ thấy một khi triều đình coi trọng chính sách “Nhu viễn” (đối với vùng đất xa thì nên đối ngoại một cách mềm dẻo, linh hoạt), coi trọng tính tự trị tương đối, coi trọng văn hóa và luật tục của đồng bào Tây Nguyên thì quan hệ sẽ tốt đẹp, ngược lại sẽ nảy sinh bất hòa, thậm chí xung đột. Đó cũng là những bài học lịch sử hết sức quan trọng, cho dù ngày nay, quan hệ đã khác xưa, khi các dân tộc đều là anh em một nhà trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì kinh nghiệm từ quá khứ vẫn vô cùng quý giá.

Nhân bài viết này, từ góc nhìn lịch sử và lập pháp, theo tinh thần ôn cũ để biết mới, phục vụ cho chính sách hiện nay, TS. Nguyễn Quốc Sửu và Nguyễn An Tuấn đã có một số đề xuất rất cần được tham cứu:

Thực sự tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng, cơ cấu xã hội của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên thông qua việc phổ biến, tuyên truyền nền văn hóa bản địa Tây Nguyên trong xã hội, đặc biệt cần đưa vào sách giáo khoa các kiến thức cơ bản về vẻ đẹp của nền văn hóa này.

Nội dung “giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc” trong chính sách dân tộc cần được diễn giải theo hướng không chỉ là người Kinh giúp đỡ về mặt kinh tế, vật chất đối với các dân tộc ít người Tây Nguyên, mà các dân tộc ít người cũng giúp đỡ người Kinh có thêm một cách hiểu về văn hóa, văn minh - một bài học quý giá trong cơn lốc của sự phát triển.

Các chính sách cho Tây Nguyên cần sự tham vấn sâu rộng của các nhà văn hóa am hiểu, từ kiến thức trong các tác phẩm quý giá của những nhà khoa học người Pháp về vùng đất này và quan trọng nhất là từ ý kiến, nguyện vọng, mong muốn của chính cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

 Thường xuyên đánh giá sự tác động đối với văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên trong bối cảnh thực hiện chính sách. Các chính sách cần được giới hạn phạm vi tác động trong những lĩnh vực cụ thể (như về kinh tế, an ninh quốc phòng…), hạn chế ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của các dân tộc bản địa nơi đây.

Nghiên cứu việc xây dựng tòa án phong tục hoặc những điểm dành riêng cho các dân tộc ít người trong các bộ luật.

Đề cao vai trò của Hội đồng già làng trong việc tạo lập và thực thi các chính sách bằng cách thể chế hóa vai trò này.

Tổ chức nghiên cứu toàn diện Tây Nguyên, xem xét khả năng mở ngành Tây Nguyên học trong trường đại học để góp phần tìm hướng đi cho chính sách.

Chúng ta cùng hướng đến xây dựng một Tây Nguyên phong phú và giàu bản sắc văn hóa, phát triển mà vẫn bảo tồn được giá trị cội nguồn, thống nhất trong đa dạng, lấy sự ổn định, an lành làm trọng, tiến bộ mà không mất cân đối, mọi sự hài hòa. Một Tây Nguyên đáng sống và hấp dẫn, lãng mạn trong ngôi nhà chung của Tổ quốc Việt Nam.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.