Multimedia Đọc Báo in

“Thành trì” cách mạng từ buôn làng

09:56, 08/02/2024

Trong thời chiến cũng như thời bình, nhiều người con ưu tú cùng đồng bào đã xông pha, nhiệt huyết cống hiến, tạo nên những bức thành trì vững chắc để góp sức giữ đất, bảo vệ, xây dựng buôn làng bình yên, no ấm.

“Buôn làng còn thì mình còn”

Sinh năm 1943 trong gia đình có truyền thống cách mạng ở buôn Tay, xã Krông Jing (huyện M’Drắk), năm 19 tuổi, ông Y Luyện Niê Kdăm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) tự nguyện tham gia bộ đội và được điều chuyển về hoạt động tại vùng H9 (huyện Krông Bông). Thời điểm đó, ông vừa làm giao liên, dẫn đường cho cán bộ, vận chuyển hàng hóa, vũ khí vừa tham gia tuyên truyền, vận động bà con các buôn làng theo cách mạng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Y Luyện Niê Kdăm.

Đã hơn 81 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ký ức một thời gian khổ, hào hùng. Khi ấy, khắp nơi đều là rừng núi, bộ đội, du kích tự tìm đường mà đi. Đôi chân của ông cùng đồng đội lặn lội hầu hết các buôn làng Êđê, M’nông ở H9, H10 (nay thuộc các huyện Krông Bông, Lắk) dẫn đường cho cán bộ, bộ đội di chuyển an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam. “Gian khổ, khốc liệt lắm, thiếu ăn, đói khổ, bệnh tật nhưng bà con các buôn làng vẫn một lòng theo cách mạng, góp người, góp của để đánh địch, quyết tâm giữ cho được mảnh đất quê hương. Buôn làng còn thì mình còn” -  ông Y Luyện nhớ lại.

Từ sau ngày giải phóng năm 1975, non sông thu về một mối, ông Y Luyện tiếp tục tham gia đội công tác hoạt động ở vùng H4, H5, bám buôn làng, dinh điền, ấp chiến lược nhằm vận động quần chúng, giác ngộ thanh niên tham gia cách mạng, chống lực lượng phản động Fulro. Thời kỳ năm 1979 đến 1982, lực lượng Fulro hoạt động mạnh ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin ngày nay), ông đã cùng đội công tác về tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động quần chúng, đánh đuổi FULRO. Khi buôn làng bình yên, ông đã quyết định chọn buôn Kram là nơi dừng chân, cùng bà con các buôn làng nơi đây xây dựng cuộc sống mới.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Y Luyện đã đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Ana, Bí thư Huyện ủy Krông Ana, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Kinh qua nhiều vị trí công tác, theo ông, “thành trì” quan trọng để bảo vệ thành quả cách mạng chính là phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân vững chắc.

Một lòng theo cách mạng

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có một vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Một lòng đi theo cách mạng, ông Y Nguôm Byă (SN 1943, dân tộc M’nông, thường gọi là Ama Hoa) ở buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr đã xung phong tham gia du kích.

Ông Ama Hoa kể, thời ấy, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp. Đội du kích của buôn dưới sự chỉ đạo của xã đội trưởng Y Ơn Niê đã nhiều lần tổ chức chống càn, đánh địch, quyết không để địch bắt bà con ra “khu tập trung”. Ama Hoa nhớ nhất là lần cùng 7 du kích của xã nổ súng tấn công bất ngờ làm bị thương 5 tên lính bảo an của địch vào tháng 8 năm 1962. Vì vậy, địch càng điên cuồng đốt nhà cửa, phá ruộng rẫy, càn quét khắp buôn làng.

Không khuất phục, bà con buôn Đắk Tuôr đi sơ tán vào các buôn, tiếp tục tăng gia sản xuất, vừa ổn định đời sống, vừa tiếp tế cho cách mạng. Cuối năm 1962, ông Ama Hoa cùng 8 thanh niên của buôn Đắk Tuôr và buôn Bhung đã nhập ngũ, tham gia đánh giặc Mỹ.

Niềm vui của vợ chồng bệnh binh Ama Hoa trước sự đổi thay của buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Từ năm 1965 đến 1975, trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, đói cơm, lạt muối, bệnh sốt rét hoành hành, vậy nhưng bà con vẫn miệt mài cùng nhau học chữ. Phấn viết được làm từ sắn mài thành thỏi phơi khô, phấn màu được làm từ đá non đỏ trên núi Cư Yang Sin, Ama Hoa đã trở thành thầy giáo gieo chữ, xóa mù cho bà con buôn Đắk Tuôr.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, bệnh binh Ama Hoa làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ea Plai (1976 - 1979). Ông Ama Hoa đã cùng ban quản lý hợp tác xã triển khai thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm, bà con 5 buôn tích cực khai hoang, mở rộng sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giải quyết được lương thực tại chỗ.

Năm 1987, xã Cư Pui được thành lập, ông Ama Hoa được phân công làm Phó Bí thư Chi bộ xã Cư Pui lâm thời. Lúc bấy giờ, trụ sở làm việc chỉ là một ngôi nhà làm bằng tranh tre tạm bợ nhưng ông đã cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức tuyên truyền, phát động quần chúng, đoàn kết các dân tộc, động viên nhân dân định canh, định cư, ra sức thi đua phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã.

Với mong muốn tiếp tục góp sức xây dựng buôn làng, nhiệm kỳ 2000 - 2005, ông Ama Hoa được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr. Ông đã phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế. Chi bộ cũng chú trọng củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền, giáo dục người dân không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, xây dựng vùng căn cứ ngày càng phát triển.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc