Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội

15:14, 21/11/2023

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội xem xét, thảo luận về các báo cáo công tác của TAND tối cao, Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Theo đó, năm 2023, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. 

Các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022). Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 87,04% số vụ việc thụ lý về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 75,07% vụ thụ lý; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện…

Tỷ lệ thi hành án dân sự đạt 83,24% số vụ việc thi hành. Về thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành, trong đó, ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc. Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở. Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ, nhưng số người bị thương lại gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Ảnh: quochoi.vn

Chất lượng công tác kiểm sát tại một số viện kiểm sát địa phương chưa cao. Một số trường hợp xét xử áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát. 

Về công tác thi hành án, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm… Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi…

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đại biểu cho biết vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật như: Qua kiểm sát, Viện kiểm sát hủy bỏ 155 quyết định không có căn cứ của cơ quan điều tra nhằm hạn chế oan sai, hủy 510 quyết định tạm giữ; không phê chuẩn 511 quyết định bắt tạm giữ, tạm giam; Vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt…

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị những hạn chế, sai sót, vi phạm về nghiệp vụ cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.

Về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đại biểu cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế như số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực, chưa thi hành xong vẫn còn nhiều; chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án.

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa xem xét trách nhiệm các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính và cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, quyết liệt phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm tội phạm.

Đồng thời, cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, không để phát sinh vụ việc phức tạp; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách của các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao, khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp: Phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc