Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

13:57, 20/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Điều hành nội dung phiên thảo luận ở hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời 69/69 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị; TAND tối cao, Viện KSND tối cao giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với báo cáo kết quả giám sát và đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương. Theo đại biểu, nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài vượt cấp, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị còn có tồn tại, hạn chế: việc tổng hợp báo cáo một số đoàn còn chậm, một số nội dung chưa đúng thẩm quyền, còn những phần trả lời chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, một số vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ như: việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công… 

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu góp ý một số nội dung: Để đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội cần có kế hoạch rà soát, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định chặt chẽ hơn về thời hạn, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của đơn vị soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

Đại biểu cũng đề nghị các Đoàn ĐBQH cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp, tổng hợp văn bản chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian, đảm bảo về nội dung. Quốc hội, các ĐBQH cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ ngành, qua đó có đôn đốc, theo dõi thực hiện. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng nêu lên nhiều ý kiến liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ; việc hỗ trợ kết nối dữ liệu nền tảng số; kịp thời có hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió; việc hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất; quan tâm giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khó khăn trong công tác xử lý ô nhiễm rác thải; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng...

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc