Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cần quy định rõ tiêu chí thăng hàm cấp tướng trước thời hạn

14:35, 02/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 2/6 Quốc hội xem xét, đánh giá và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết với 446 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 90,28 %).

Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo Quốc hội về thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, thống nhất, kể cả các dự thảo Luật khác đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về cơ bản, Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ: Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây; Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Một số dịch vụ viễn thông mới xuất hiện, cần phải được quản lý bằng pháp luật ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng; đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và sẽ được cụ thể hóa tại văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ, rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 23) và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 24), bảo đảm khả thi, tránh phát sinh các vướng mắc trong thực tế.

Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, qua khảo sát thực tế, phân tích, đánh giá, đa số ý kiến thấy rằng, nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ này.

Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được rà soát, hoàn thiện, phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích, cần bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý Quỹ... để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông mang tính chất công ích và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Liên quan đến nội dung đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (Điều 51), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, những vấn đề cụ thể có thể dẫn chiếu đến quy định của Luật Đấu giá tài sản hoặc giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng quy định công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị rà soát các luật liên quan (như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công) để thống nhất các quy định, khái niệm liên quan…

Cuối phiên làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND).

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 9 khoản thuộc 5/46 điều của Luật CAND năm 2018, tập trung 3 chính sách, gồm: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu thảo luận, các đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình sự cần thiết sửa luật cũng như các nội dung Chính phủ trình; đồng thời nhấn mạnh rà soát kỹ để thể hiện chặt chẽ và phù hợp hơn.

Một trong những chính sách được nhiều ý kiến thảo luận là thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Đại biểu cho rằng, một sĩ quan khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công, thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng với sĩ quan CAND đó được ghi nhận một cách tự nhiên. Khi đó, nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời thêm điều kiện để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí ngay trong luật để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu cũng đồng tình với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nói rõ trường hợp không đủ 3 năm công tác là bao nhiêu năm.

Đại biểu đề nghị quy định cụ thể, đầy đủ từng tiêu chí, điều kiện ngay trong dự thảo; đồng thời cũng cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể, như thế nào gọi là xuất sắc để tránh lạm dụng…

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); sau đó tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.