Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở

15:13, 29/05/2023

Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Qũy Vắc-xin phòng COVID-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Phiên họp toàn thể sáng 29/5. Ảnh: quochoi.vn
Phiên họp toàn thể sáng 29/5. Ảnh: quochoi.vn

Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc-xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến…

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh.

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...

Về kết quả đạt được của việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết qua giám sát cho thấy, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. 

Đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19.

Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.

Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch COVID-19.

Các tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng được Đoàn giám sát chỉ rõ, trong đó: nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước; Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn; Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.

Đoàn giám sát đã chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; đồng thời nêu các bài học kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giám sát của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu thống nhất với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. 

Từ góc độ tham gia sám sát nội dung này tại địa phương, đại biểu cho rằng, dịch COVID-19  tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, theo đại biểu, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Về y tế dự phòng, đại biểu cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân. Máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn. 

Đặt câu hỏi, làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Đại biểu nêu rõ cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường. Đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; cũng sẽ có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ…

Đồng thời, giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế động viên họ để phát triển thế mạnh của mình. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Cũng theo đại biểu, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đại biểu cũng chỉ rõ, do thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Vì lẽ đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm (từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022). Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp khắc phục, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng phải kể đến tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế còn nhiều bất cập.

Nêu rõ, cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đại biểu lưu ý rằng, cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Xác định mối quan hệ giữa các tuyến y tế hiện nay được quy định tại Nghị quyết số 20 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Nhất là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Quy định rõ chức năng nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng; gắn hoạt động của y tế học đường với trạm y tế xã.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Đại biểu kiến nghị, để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc được Nhân dân và cử tri rất quan tâm trong thời gian vừa qua, cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để công tác y tế dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu đề nghị tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

Trong đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng.

Trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.