Multimedia Đọc Báo in

Độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một tất yếu lịch sử

07:15, 06/11/2022

Ngay từ lời giới thiệu tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Đây là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm trong đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.

Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã khẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là đúng đắn, củng cố niềm tin và sự kiên định của dân tộc ta vào con đường đi lên CNXH.

Ảnh minh họa: Internet
(Ảnh minh họa: Internet)

Thế nhưng, không bao giờ chấp nhận sự thật và luôn cố tình bóp méo lịch sử, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá cách mạng, sự nghiệp đổi mới của nước ta vẫn luôn có những luận điệu cố tình xuyên tạc về con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị 05 và đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng là chúng ta cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao nhận thức, hiểu rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Từ khi trở thành người cộng sản, cho đến khi là lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gắn độc lập dân tộc với CNXH, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự phản ánh chính xác mục đích, lý tưởng, khát vọng và ham muốn tột bậc của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân lao động. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên CNXH. Bởi vì, do những đặc trưng nội tại của mình, CNXH sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và sự phát triển của dân tộc.

CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một xã hội tốt đẹp, công bằng hợp lý, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột; một xã hội có nền sản xuất phát triển gắn với sự phát triển khoa học - kỹ thuật và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động; một xã hội có kỷ cương, đạo đức, văn minh, trong đó người với người là bạn bè, đồng chí, anh em, mọi người được phát triển hết khả năng của mình; một xã hội do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng CNXH chính là xây dựng tiềm lực phát triển của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Độc lập dân tộc tiến lên CNXH ở Việt Nam là một tất yếu lịch sử. Nhưng để hiện thực hóa tính tất yếu này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cần phải có những điều kiện cơ bản. Trước hết là tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng phải trong sạch, vững mạnh và thường xuyên chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách gay gắt nhất. Thứ hai là xây dựng, củng cố và tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức làm nền tảng khối đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba, Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới liên hệ chặt chẽ với nhau, nên phải luôn có chủ trương, đường lối và biện pháp phù hợp để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng cách mạng, hòa bình dân chủ trên thế giới.

Ba nhân tố nêu trên gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: ”Đó là ba bài học lớn mà mỗi cán bộ, đảng viên ta cần ghi sâu vào lòng và phát huy thêm mãi”.

Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu là xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc  trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.