Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài

15:10, 05/07/2022

Sáng ngày 5/7, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Quy định số 228-QĐ/TW, ngày 7/2/2014 của Ban Bí thư về “Nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài” (gọi tắt là Quy định 228); góp ý dự thảo Quy định mới thay thế Quy định 228.

Các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2014 đến nay cả nước có trên 403.300 lượt đảng viên ra nước ngoài (tất cả bộ, ngành, địa phương đều có đảng viên ra nước ngoài). Hiện đang có trên 10.800 đảng viên ở nước ngoài; trong đó 1.469 đảng viên trong cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, gần 9.400 đảng viên ngoài cơ quan đại diện tham gia sinh hoạt tại 69 tổ chức cơ sở đảng.

a
Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: chụp màn hình)

Sau 8 năm thực hiện, Quy định 228 đã góp phần quan trọng đưa công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài ngày càng đi vào nền nếp, phát huy vai trò của tổ chức đảng và đảng viên ở nước ngoài trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Các nội dung của Quy định 228 đã góp phần cải tiến sinh hoạt đảng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp cho cấp ủy đảng trong và ngoài nước làm tốt hơn công tác quản lý đảng viên, nhất là đối với đối tượng đảng viên ra nước ngoài ngắn hạn, sinh hoạt tạm thời, đảng viên lao động.

Đa số đảng viên ra nước ngoài đều chấp hành nghiêm Quy định 228, trong thời gian ở nước ngoài phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, nêu cao ý thức kỷ luật, không làm phương hại đến lợi ích và an ninh quốc gia; có nhiều đóng góp tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và sở tại; nêu cao ý thức xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Quy định 228 vẫn còn những bất cập, hạn chế như: Việc thực hiện chế độ báo cáo của đảng viên khi ra nước ngoài chưa bảo đảm quy định, nhất là đối với đảng viên đi vì việc riêng, ngắn hạn, đảng viên sinh sống tại các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đáng nói, vẫn có đảng viên vi phạm pháp luật nước sở tại. Một số khâu trong quy trình quản lý đảng viên còn thiếu chặt chẽ, chưa nêu rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong và ngoài nước nên khó khăn trong phối hợp quản lý. Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở nước ngoài còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm…

Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã phân tích kết quả đạt được, những nội dung còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy định 228, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung Dự thảo quy định mới thay thế Quy định 228, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

s
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định 228 của Ban Bí thư.

Các ý kiến đã cụ thể hóa nội dung về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước và đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động…

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo quy định mới trình Ban Bí thư theo kế hoạch.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.