Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo lý luận chính trị: Phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm

06:36, 23/03/2022

Một trong những bài học kinh nghiệm Đảng ta đã chỉ rõ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc cụ thể hóa, bảo đảm sự đồng bộ với những đổi mới các nội dung trong công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Còn tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, nhưng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục lý luận chính trị (LLCT) nói riêng. Đó là: “Việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập LLCT tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong quy định và quản lý, đào tạo LLCT. Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo LLCT do nhiều cơ quan ban hành chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Một số nội dung đào tạo chưa sát thực, chưa kịp thời đổi mới, phù hợp với tình hình, chưa gắn việc đào tạo LLCT với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ và công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ. Công tác quản lý sơ cấp, trung cấp, cao cấp LLCT còn nhiều yếu kém, đặc biệt là phân cấp đào tạo còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới. Công tác tổ chức đào tạo và phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW của Ban Bí thư.

Theo đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ ngại học, lười học LLCT, thích học tại chức, ngại học tập trung hoặc có động cơ không lành mạnh, học đối phó, học vì bằng cấp chứ không phải học để có kiến thức, kỹ năng phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đây một trong những biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Chủ động tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng nói chung và giáo dục, bồi dưỡng LLCT nói riêng, Đại hội XIII đã yêu cầu: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục LLCT theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng LLCT, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thành Dũng trao bằng tốt nghiệp cho các học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung K29, khóa học 2020 - 2021. Ảnh: Lê Hương
 

Cần bám sát chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác đào tạo LLCT, tổ chức đào tạo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, theo phân cấp, phù hợp với chức vụ, chức danh cán bộ, gắn với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ. Vì vậy, phải xây dựng được một hệ thống chiến lược tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm sự liên thông từ thấp đến cao”.

 
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang

Một trong những giải pháp thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT đó là Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, Quy định số 57 có nhiều điểm mới, đột phá. Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành quy định về công tác đào tạo LLCT nên tính hiệu lực, thống nhất cao, tránh trùng lắp, chồng chéo. Quy định đã hệ thống, tổng hợp, bao quát cả 3 cấp học gồm sơ cấp, trung cấp, cao cấp LLCT; xác định cụ thể từng đối tượng, tiêu chuẩn tham gia 3 cấp học và có quy định riêng cho đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đồng thời, xác định rõ việc phân cấp đào tạo LLCT đối với các cơ quan liên quan; thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của các bên trong công tác quản lý, đào tạo, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả. Quy định cũng xác định rõ lộ trình kết thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp LLCT của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương trước ngày 31/12/2023 để chuyển cho trường chính trị tỉnh thực hiện.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, để nâng cao chất lượng đào tạo LLCT, cần thống nhất trong nhận thức và hành động, thực hiện nghiêm túc, nhất quán quy định của Ban Bí thư, nhất là việc phân cấp nhiệm vụ đào tạo, thẩm quyền, trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao cấp LLCT theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.